sống đạo đức của con người - trong giới hạn hiện hữu của nó ở cõi trần gian này -
tình trạng lưỡng phân ấy, kết hợp tính thiêng liêng, tính trách nhiệm của các khởi
nguyên đạo đức của đời sống con người trong hiện thực với tình trạng không
hoàn hảo của chúng, [kết hợp đó] xác định ý nghĩa của cái có thể gọi là chủ nghĩa
hiện thực Kitô giáo. Thực chất lầm lẫn của chủ nghĩa không tưởng được làm sáng
tỏ cho chúng ta chính dựa trên cơ sở của mối tương quan này.
Pascal, với tính hàm súc thiên tài đặc trưng của mình, đã thể hiện mối tương
quan ấy như sau: “Con người không phải là thiên thần, cũng không phải là con
thú. Tai họa là ở chuyện mưu toan biến nó thành thiên thần trên thực tế lại biến
nó thành con thú”. Ví dụ như các ý đồ của chủ nghĩa không tưởng giống như tiêu
diệt cưỡng bức quyền tư hữu - biểu hiện tự nhiên của tự do cá nhân ở trong lớp
thực chất không hoàn hảo, súc vật, phụ thuộc vào bản chất của con người, - hay
chuyện tiêu diệt gia đình, - cái tập thể tiên khởi được xác định bởi các sức mạnh
vũ trụ mà thực thể con người chỉ có thể trưởng thành lên từ trong lòng của nó, -
hay việc bãi bỏ tổ chức nhà nước như là tự vệ tập thể của con người chống lại các
sức mạnh hỗn độn mang tính phá hủy, vốn là những sức mạnh cố hữu trong bản
chất súc vật của con người, - những ý đồ như thế thực chất là các mưu toan phản
tự nhiên, nhằm cưỡng bức bứt hiện hữu nhân bản ra khỏi nền tảng trần thế mà nó
vốn bắt rễ từ đó. Những mưu toan ấy tất yếu dẫn đến việc làm cho con người mất
đi chỗ dựa cho hiện hữu của mình, mất đi nền tảng vững chắc mà nó có thể dựa
vào trong thành phần của bản thân cõi trần gian, trong khi đó thì các sức mạnh
phá hủy hỗn độn, mang tính vô chính phủ ở hiện hữu súc vật của nó lại có được
khoảng trống để tác động không giới hạn. Chính vì vậy mà con người trong mưu
toan biến nó thành thiên thần, thì trên thực tế lại trở thành con thú.
Từ đây sẽ được làm sáng tỏ sâu sắc hơn cho chúng ta về những gì chúng ta
đã buộc phải nói ở trên. Trong thành phần minh triết Kitô giáo chân chính nhất
thiết phải có ý thức về tính tất yếu của một tình trạng không hoàn hảo và cái ác
tối thiểu được biết đến, tức là trên bình diện “lề luật”, trên bình diện sắp xếp tổ
chức cõi trần gian, không thể nào đạt được tình trạng hoàn hảo lí tưởng của hiện
hữu nhân bản, vì rằng bản thân lề luật cần phải tính đến tình trạng không hoàn
hảo của con người và phản ánh nó lại ở trong bản thân mình. Và từ ý thức ấy dẫn
tới quả quyết rằng, mưu toan phản tự nhiên nhằm tiêu diệt hoàn toàn tình trạng
không hoàn hảo và cái ác trên bình diện hiện hữu trần gian tất yếu gắn liền với
nguy cơ nhân rộng cái ác và tai họa ở đó lên vô hạn, thông qua việc làm chao
đảo những nền tảng của hiện hữu trần gian.