nội dung của kinh nghiệm sống hay của nhận thức khoa học. Ví dụ như dân
chúng Do Thái cổ đại hình dung một Thượng Đế toàn năng - người sáng tạo ra
trời và đất - nhưng đồng thời là người bảo hộ chính trị, người lãnh đạo trực tiếp
số phận dân tộc Israel - “Thượng Đế của chiến trường”, ban tặng cho Israel thắng
lợi trước quân thù và đảm bảo cho nó sự hùng mạnh chính trị. Nói cách khác, nội
dung của niềm tin tôn giáo và nội dung tri thức lịch sử cũng như minh triết chính
trị hồi đó tựa như trùng hợp với nhau. Mặt khác, người Hi Lạp cổ đại hình dung
cõi trần gian - “vũ trụ” - như hiện thân trực tiếp của lí trí thần thánh và hài hòa
thần thánh: nội dung của niềm tin tôn giáo (ít nhất cũng của niềm tin đã được
thanh lọc về mặt triết học) đã hoàn toàn phù hợp với các dữ liệu thiên văn, vật lí
học, sinh vật học và tìm thấy ở đó xác nhận cho nó. Nhưng có lẽ hài hòa giữa
niềm tin và tri thức đạt được mức độ cao nhất ở trong thế giới quan thời trung cổ,
kết hợp ý thức tôn giáo Kitô với tri thức về tự nhiên học cổ đại và với siêu hình
học cổ đại. Nếu như chúng ta lấy bức tranh thế giới như nó biểu hiện trong triết
học Thomas Aquinas chẳng hạn, hay trong “Hài kịch thần linh” của Dante, thì
chúng ta sẽ có được ấn tượng rất mạnh, những trí tuệ tốt đẹp nhất của thời đại ấy
đã có niềm tin sắt đá như thế nào về việc cấu trúc của cõi trần gian và tiến trình
của đời sống thế gian được xác định bởi những khởi nguyên của trật tự tôn giáo, -
bất chấp kinh nghiệm hàng thế kỷ về chiến thắng của cái ác và cái phi lí tính trên
trần gian. Đạo đức tôn giáo, học thuyết về tận thế, mơ ước về vương quốc trên
trời, đều được sắp đặt hài hòa trong khuôn khổ bức tranh thế giới mà vũ trụ luận
khoa học mô tả. Thượng Đế, như tình yêu, - ý tưởng của niềm tin Kitô giáo cao
cả nhất và tựa hồ như “phi trần thế” nhất, khó tin nhất xét từ quan điểm tri thức
khách quan - đối với Dante chính là sức mạnh vũ trụ khiến cho mặt trời và các vì
sao chuyển động (l'amor che muove il sol e l'altre stelle). Đó là cái thời, khi
người ta chân thành cảm thấy rằng - bất chấp tất cả vẻ bề ngoài nhìn thấy được là
trái ngược lại - mọi thứ trên trần gian, việc lớn lên của mỗi một cọng cỏ và
chuyển động của các thiên thể, số phận của mỗi con người riêng biệt và số phận
lịch sử của nhân loại, không những nói chung được hoàn tất một cách hợp lí phù
hợp với Thiên Ý, mà sự phù hợp ấy còn được niềm tin khẳng định, có thể được
phát hiện bằng toàn bộ kinh nghiệm cuộc sống và tri thức khoa học. Tựa như là
bức tranh cấu tạo thế giới được khoa học và tư duy triết học phát hiện, cũng như
kinh nghiệm lịch sử đều khẳng định trực tiếp hoài vọng tôn giáo của trái tim con
người. Các chân lí trong kinh Phúc Âm hóa ra phù hợp với chân lí thiên văn và
vật lí học, lịch sử và triết học chính trị.