Chúng ta không cần thiết phải mô tả lịch sử tư duy con người phế truất
những quan niệm ấy và giải thích tại sao đối với chúng ta ngày nay chúng không
còn khả dĩ nữa. Rỗ ràng là có một vực thẳm không thể vượt qua ngăn cách cảm
nhận thế giới và cuộc sống trong ý thức của con người mới với loại ý tưởng như
thế. Khác biệt ở đây là to lớn đến nỗi việc so sánh trở nên hầu như bất khả dĩ và
không mấy ích lợi.
Vì vậy ta hãy gác sang một bên kiểu cách tư duy đã quá xa xôi với chúng ta
bây giờ và chỉ dừng lại ở tương phản đáng để học hỏi trong việc xác định tính
độc đáo của các ý tưởng thế kỷ XX. Như đã nêu ra, thời đại hiện nay khác biệt
chủ yếu với những quan niệm của một quá khứ rất gần đây, mà là những quan
niệm hợp thành tín niệm của những giới tiên tiến nhất, có học thức khoa học, của
xã hội châu Âu. Chúng tôi hàm ý có lẽ nét đặc trưng nhất của cuộc khủng hoảng
thời đại hiện nay - ấy là sụp đổ của niềm tin vào cái được gọi là “tiến bộ” của
nhân loại. Ý tưởng “tiến bộ” được tiên cảm một cách mơ hồ từ thời đại Phục
hưng, tức là hoàn thiện tất định - về trí tuệ, về đạo đức, về xã hội - của cuộc sống
con người, được ấn định vào một phần ba cuối cùng của thế kỷ XVIII trong các
công trình trí tuệ của Turgot, Lessing, Condorcet. Từ kết hợp của niềm tin vào sứ
mệnh cao cả của con người, vốn là niềm tin sinh ra một cách vô thức từ hạt giống
của Kitô giáo, với chủ nghĩa duy lí ngây thơ, đã sinh ra chủ nghĩa lạc quan về
lịch sử, tạo thành cơ sở thế giới quan của những con người tốt đẹp nhắt, có học
thức và cao quý nhất của cuối thế kỷ XVIII và toàn bộ thế kỷ XIX. Chủ nghĩa lạc
quan ấy về lịch sử, niềm tin ấy vào “tiến bộ”, đã thành niềm tin vào tính tất định
của việc thực hiện mau chóng cái thiện tuyệt đối - “Vương quốc Thiên Chúa” -
dưới hạ giới. Vào thời đại ấy (hồi kết thúc của nó hãy còn thật gần với chúng ta
và nhiều trí tuệ không phê phán đến bây giờ vẫn còn sống trong tiếng vọng của
nó) nhân loại đã sống trong niềm tin vào thắng lợi dễ dàng, được đảm bảo trước
của điều thiện và lí trí, trước cái ác và tình trạng ngu tối; họ cứ tưởng rằng họ
đang đi trên con đường thẳng tắp tiến đến thực hiện trạng thái lý tưởng của hiện
hữu con người mà không gặp cản trở nghiêm trọng nào; và chủ nghĩa tự do, rồi
chủ nghĩa xã hội thay thế nó sau đó, chỉ là những phiên bản khác nhau của niềm
tin ấy vào khả năng thực hiện mau chóng trên Trái đất toàn thể sự thật trọn vẹn.
Nhân loại sống trong sự vững tin vào khả năng thực hiện mơ ước cao cả tối hậu
của mình. Trong tình trạng vững tin ấy, niềm tin, như một hoài vọng thầm kín đầy
táo bạo của trái tim con người, tựa hồ như trùng hợp với hiểu biết hiện thực mang
tính hợp lí khách quan - các thành tựu của khoa học chính xác và chặt chẽ.