2. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn
Tín niệm ấy về “quyền lực của bóng tối” thống trị thế gian đặc trưng cho
trạng thái tinh thần thời đại hiện nay còn có một khía cạnh nữa rất đáng chú ý.
Chính là trong so sánh với thế giới quan được mô tả ở trên của một thời cách đây
chưa lâu, nó có thể được xác định như là cuộc khủng hoảng niềm tin vào con
người - như là cuộc khủng khoảng của chủ nghĩa nhân văn.
Trong cơ sở của niềm tin vào tiến bộ - tin vào hoàn thiện tất định của con
người - và chủ nghĩa không tưởng - niềm tin vào khả năng thực hiện trọn vẹn sự
thật và điều thiện trong cõi trần gian, chứa đựng niềm tin vào phẩm giá và sứ
mệnh cao cả của con người ở cõi trần gian, nói ngắn gọn - niềm tin vào con
người.
Nguồn gốc của niềm tin này vào con người gắn với một ngộ nhận sâu sắc,
quyết định tính cách của việc đặt cơ sở tiêu biểu cho niềm tin ấy và gây ảnh
hưởng tai hại cho số phận của nó. Thực chất niềm tin này chắc chắn có nguồn
gốc Kitô giáo. Trong khải huyền Kitô giáo, quan niệm của kinh Cựu ước về con
người như là “hình tượng và đồng dạng với Thượng Đế”, như thực thể hưởng đặc
ân ở dưới sự bảo hộ của Thượng Đế và được hiệu triệu thống trị toàn thể các tạo
vật còn lại, được nhấn mạnh trong ý tưởng con người là con của Thượng Đế,
trong khái niệm về con người như hiện thân của tinh thần và theo ý nghĩa này là
thực thể được sinh ra “từ trên trời”, ‘âtừ Thượng Đế”. Tuy nhiên, do một ngộ
nhận thật kì quặc mà ý nghĩa và nguyên nhân của nó ta sẽ còn phải nói tới chi tiết
hơn ở phần sau, liên quan đến vấn đề khác, nguồn gốc này của niềm tin vào con
người vẫn không được ý thức và “chủ nghĩa nhân văn” của thời đại mới đã xuất
hiện trong đối lập trực tiếp với thế giới quan Kitô giáo, và chính trong hình thức
như thế nó đã xác định đặc tính niềm tin vào con người cho đến thời đại hiện nay.
Cảm giác niềm tin vào chính bản thân mình và sứ mệnh vĩ đại của mình trên trần
thế, tràn ngập con người từ khỏi đầu thời đại thường vẫn được gọi là “thời đại
mới”, được con người cảm nhận như là một ý thức nào đó hoàn toàn mới mẻ, như
một cuộc cách mạng tinh thần nào đó chống lại kiểu cách chung của nhân sinh
quan thời trung cổ được giáo hội thần thánh hóa. Sự chào đời này của chủ nghĩa
nhân văn thời đại mới mang tính chất một cuộc nổi loạn nào đó đầy kiêu hãnh