việc đánh mất hay phủ nhận ý thức ấy. Thừa nhận trừu tượng tồn tại của Thượng
Đế chẳng có được chút giá trị nào nếu nó không xuất phát trực tiếp từ thái độ
kính ngưỡng và không dựa trên lòng kính ngưỡng ấy; và ngược lại, ở đâu có kính
ngưỡng này thi ở đó có cốt lõi sinh động trong bản thể tiên phát của niềm tin.
Không bao giờ được quên một sự thật giản dị, rằng niềm tin là một trạng thái nào
đó của trái tim chứ không phải một ý tưởng nào đó của trí óc chúng ta.
Nhưng có thể còn đi xa hơn nữa: có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta khai
mở các tiền đề của “vô tín ngưỡng bi ai”, dẫu không được ý thức nhưng thực chất
cần thiết cho việc giải thích nó, thì ta sẽ khám phá được trạng thái tinh thần ấy
như một niềm tin tôn giáo đặc thù nào đó, thậm chí trong ý nghĩa thừa nhận lí
thuyết về thực tại của một khởi nguyên tuyệt đối siêu trần gian nào đó. Thực vậy,
giả sử - như vô tín ngưỡng bi ai khẳng định một cách có ý thức - rằng vật thiêng
liêng, điều thiện và lí trí không hề có cội rễ bản thể nào hết trong hiện hữu, không
có hiện thực khách quan nào hết, giả sử rằng chúng không phải gì khác hơn là
sản phẩm thuần túy chủ quan của trái tim con người, thì thực chất không thể nào
hiểu được lấy gì làm cơ sở cho nghĩa vụ kính ngưỡng và phụng sự cho vật thiêng
liêng. Người ta sẽ bảo rằng vấn đề đặt cơ sở ở đây là không đúng chỗ; chính là vì
trái tim con người hoàn toàn tự do, tức là chẳng có cơ sở nào hết, vật thiêng liêng
lôi cuốn đơn giản là vì nó có sức quyến rũ nội tại đối với trái tim con người; một
thứ tình yêu bất vụ lợi, giống như sức quyến rũ của cái đẹp thuần túy, không đòi
hỏi phải đặt cơ sở và cũng chẳng cần đến nó. Diễn đạt điều này bằng ngôn ngữ tư
duy triết học trừu tượng có thể nói rằng: “vật thiêng liêng” duy trì ý nghĩa giá trị
- là cái quý giá đối với trái tim con người, - hoàn toàn độc lập với vấn đề sức
mạnh bản thể khách quan cố hữu của nó và khả năng thực hiện hiện hữu ở mức
độ nào.
Ý kiến phản bác này không để ý đến một tình tiết quan trọng: khác biệt giữa
giá trị trong ý nghĩa chủ quan - giá trị như là biểu lộ đơn giản sức lôi cuốn thực
tế đối với trái tim con người - và giá trị khách quan, tức là cái được thử thách
như một giá trị cố hữu của hàn thân thực tại và hoàn toàn độc lập với việc con
người thừa nhận nó trên thực tế, và vì vậy được ý thức như một cấp bậc nhất thiết
phải tôn kính. Giá trị, vì là sản phẩm của trái tim con người, chỉ có thể là giá trị
trong ý nghĩa chủ quan. Điều này có nghĩa: tất cả ý nghĩa của nó bị vắt kiệt bởi sự
kiện nó là cảm xúc thực tế của con người. Ở đâu có được cảm nhận như thế, thì ở
đó có giá trị tương ứng với nó, phát sinh ra từ nó; ở đâu không có cảm nhận như
thế, thì ở đó cũng không có giá trị nào. Như người ta thường nói: không phán xét
cái không có. Ở đây thực chất không thể có việc đánh giá nào, không có tán thành