chuyện sự tương tự ấy đi xa đến đâu, trong mức độ nào chúng ta có quyền đồng
nhất hóa cái khởi nguyên tối cao ấy với thực thể bản diện con người, và ngược
lại, trong mức độ nào chúng ta phải thừa nhận chúng khác biệt nhau; cả tư duy
thần học cũng như tư duy triết học đầy rẫy những tranh cãi không dứt, có thể
không sao phân giải được. Nhưng không thể phủ nhận rằng, trong ý nghĩa bao
quát rộng rãi, ký hiệu vật thiêng liêng từ cổ xưa bằng tên gọi “Ông Trời” hay
“Thượng Đế” - tên gọi của thực thể siêu trần gian, trong mức độ nào đó tương tự
như nhân diện, - chính là hình thức thích hợp duy nhất để thấu hiểu trải nghiệm
tôn giáo. Cái mà chúng ta trải nghiệm thấy là tiếp giáp sinh động với thực tại, về
nội tâm giống hệt với chiều sâu tâm hồn thầm kín của chúng ta, nhưng chỉ vượt
xa chúng ta vô cùng tận về tầm quan trọng và giá trị mang tính bản thể. Theo
cách thể hiện của nhà huyền học Đức Angelus Silesius, “vực sâu tâm hồn bị thu
hút bởi vực sâu Thượng Đế”. Bất chấp tất cả tính bất xác định của khái niệm
Thượng Đế này, kiến giải về tính hợp lí và tất yếu của nó thay đổi triệt để ý thức
tự giác nội tâm của chúng ta, tạo ra cho chúng ta một tình huống hoàn toàn mới
mẻ. Cảm giác cô đơn siêu hình, tình trạng bị bỏ rơi, tính mong manh của bản diện
chúng ta được thay thế bằng cảm giác bản diện được đảm bảo một cách siêu hình,
có được chốn nương thân vĩnh hằng ở trong lòng của hiện thực tối cao đó. Cảm
giác nguy nan, nỗi sợ hãi trước hiện hữu được thay thế bằng cảm giác bình an
không gì phá vỡ nổi, dựa trên lòng tin cậy nội tâm vào cấp bậc tối cao của hiện
hữu. Nếu như nhà lí luận hiện đại người Đức [rao giảng] vô tín ngưỡng bi thảm,
Heidegger, tuyên cáo “nỗi sợ hãi” là thực thể siêu hình của đời người, thì đối lập
lại khẳng định ấy là di huấn vĩ đại của Socrates trong thái độ giản dị của người
khai sinh ra tư duy tôn giáo duy lí: với con người tận tâm hướng thiện không thể
xảy ra điều gì tệ hại, cả ở cõi đời này lẫn cõi đời kia. Biểu hiện tích cực của cảm
giác này đem lại khải huyền Kitô giáo: Thượng Đế như “Người Cha”, hay như
“tình yêu thương” (“Thượng Đế là tình yêu thương”, I Thư tín Yoan., 4, 8). Trong
số phận bi thảm của mình ở cõi trần gian con người thu nhận lòng can đảm và ý
nghĩa cuộc đời không phải chỉ ở thái độ tôn kính vật thiêng liêng và phụng sự vật
thiêng liêng một cách bất vụ lợi; nền móng cuối cùng và vững chắc nhất của đời
người là cảm giác hoan lạc đầy an ủi và làm yên lòng, được trao cho tính đồng
thuộc của bản thân con người với một quê hương trên trời nào đó - với ngôi nhà
của Thượng Đế, như người Cha đẻ, được đảm bảo và được gìn giữ không ai xâm
phạm tới ở nơi Thượng Đế. Con người tự ý thức bản thân mình không phải chỉ
như kẻ tôi tớ của Thượng Đế - biểu hiện cảm xúc tôn giáo đầy đủ và hoàn hảo
nhất, ấy là con người là con cái của Thượng Đế. Nếu như về mặt lịch sử loài