Người đọc cần có được “cái tai âm nhạc” để cảm nhận thấy có hay không những
cảm xúc nhân bản ở trong nhà tư tưởng đang đối diện với những nỗi đau của số
phận con người.
Tác phẩm của S. Frank được viết ngay sau kết thúc cuộc Đại chiến thế giới
II với ấn tượng sâu sắc của tác giả về sự kinh khủng của cái ác ở cõi trần gian xảy
ra trong thời kì này. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thời gian đó, liệu nội dung
của tác phẩm có trở nên lỗi thời với xã hội hiện nay của loài người hay không? ít
nhất tôi cũng tìm thấy một cảm nhận đồng điệu với S. Frank ở hai triết gia
phương Tây thời hiện đại: E. Fromm (1900-1980) và E. F. Schumacher (1911-
1977).
Trong tác phẩm To Have or To Be, E. Fromm đã cảnh báo định hướng lối
sống sở hữu (To Have) đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhân loại với hai nguy
cơ: chiến tranh hủy diệt và hủy hoại môi trường sống. Ông cho rằng cần có thay
đổi căn bản định hướng tinh thần theo lối sống hiện hữu (To Be) thì nhân loại
mới có hi vọng thoát khỏi hai nguy cơ này. E. Fromm không đề cập đến Kitô
giáo, nhưng thái độ sống hiện hữu vốn chứa đựng trong những lời dạy của kinh
Phúc Âm và được S. Frank bàn luận ở tác phẩm mà chúng ta đang đề cập đến.
Trong tác phẩm A Guide for the Perplexed, E. F. Schumacher đã phê phán
“chủ nghĩa khoa học duy vật luận” (materialistic scientism) ở nền giáo dục
phương Tây, vì nó bỏ qua tất cả những gì “không chắc chắn” và chỉ giảng dạy
những gì có được “chứng minh” (proof). Thế nhưng “chứng minh” phải bao hàm
điều gì thì lại là chuyện gây tranh cãi. Trong khi đó, những điều “không chắc
chắn” lại thường là những điều rất quan trọng cho cuộc sống. Ông viết: “Nếu tôi
tự giới hạn mình ở những tri thức mà tôi xem là chân lí vượt ra ngoài mọi nghi
hoặc, thì tôi giảm được nguy cơ lầm lẫn xuống mức tối thiểu, nhưng đồng thời tôi
lại có nguy cơ ở mức tối đa bỏ qua những gì là huyền ảo nhất, quan trọng nhất và
đáng giá nhất trong cuộc đời”. Theo E.F. Schumacher, tình trạng này có thể bắt
nguồn từ Descartes (1595-1650), là người cho rằng không nên bận tâm với những
gì không có được tính chắc chắn tương đương với số học và hình học. Những
thành tựu của khoa học tự nhiên có được sau đó dường như đã củng cố niềm tin
của con người thời hiện đại vào sức mạnh toàn năng của phương pháp khoa học
trong việc giải quyết mọi vấn đề “mới”. Tuy nhiên, tình trạng tội lỗi và suy đồi
của xã hội con người khiến cho thái độ lạc quan ấy ngày càng bị xói mòn. Trong
phần kết của tác phẩm này, E. F. Schumacher đã viết:
“Ngay cả giả sử như tất cả các vấn đề “mới” đều được giải quyết bằng kĩ
thuật, thì tình trạng phù phiếm, thiếu trật tự và đồi bại hẳn vẫn còn lại. Tình trạng