Tuy nhiên, ở một phương diện khác sự giống nhau ấy dẫu sao cũng không
phải là đồng nhất. Khác biệt cơ bản và sâu sắc nhất giữa tinh thần tôn giáo của
học thuyết Plato và tin mừng của Đức Kitô nằm ở chỗ cái thứ nhất mang đặc tính
quý tộc khép kín, còn cái thứ hai thì bất cứ linh hồn con người nào cũng có khả
năng tự do tiếp thu được. Ở Plato kí ức về quê hương trên trời, khả năng quay trở
về nơi đó và ổn định ở đó, là đặc quyền của những nhà thông thái, vì nó đòi hỏi
khả năng làm việc căng thẳng của tư duy đơn thuần. Ngược lại, trong khải huyền
của Đức Kitô, bất cứ linh hồn con người nào cũng có khả năng lĩnh hội được hiện
thực chiều sâu của “vương quốc Thiên Chúa”, nếu tìm kiếm nó: ở đây bất cứ ai
cầu xin đều được cho, bất cứ ai tìm kiếm đều tìm thấy, bất cứ ai gõ vào, cửa cũng
mở ra. Ở đây chân lí cứu độ “bị giấu kín đối với những người thông thái và nhiều
lí tính và mở ngỏ cho các trẻ thơ”. Ở đây bất cứ linh hồn con người nào, như bản
chất của nó, vốn xưa nay đều ở cận kề không sao tách rời được với Người Cha ở
trên Trời, gắn chặt với Ngọn-nguồn-tiên-khởi của nó, được tạo nên theo hình
tượng và đồng dạng với Ngọn-nguồn-tiên-khởi ấy, vốn là suối nguồn tình thương
yêu vô hạn liên tục tuôn chảy vào nó, nuôi dưỡng và làm cho nó vững mạnh. Ở
đây trợ giúp, niềm an ủi và đảm bảo vững chắc, được ban tặng cho mọi linh hồn
con người trong giới hạn mà nó cần đến. Ở đây ân phúc được hứa trao cho những
kẻ khốn khó về tinh thần, đang khóc than, yếu ớt, thèm muốn và khao khát sự
thật và bị xua đuổi vì sự thật, ở đây cần phải - và vậy là đủ - như là “những trẻ
thơ”, tức chính là ý thức được tình trạng bất lực của bản thân, để “bước vào được
thiên đàng”. Vì rằng ở đây thực chất quê hương trên trời là Thượng Đế như
“Người Cha ở trên trời”, Thượng Đế như tình yêu thương; đó là tình yêu tha thứ
hết thảy và bao trùm hết thảy, giống như mặt trời soi sáng cho những người chính
trực và những kẻ phạm tội, cứu rỗi bất cứ linh hồn con người nào - chi cần linh
hồn ấy tự tìm kiếm nó - để linh hồn ấy thoát khỏi tình cảnh vô gia cư thông
thường của nó, khỏi tình cảnh cô đơn thông thường của nó; tình cảnh cô đơn đó
được thay thế bằng đảm bảo, bằng chốn nương thân, bằng cảm-nhận-song-đôi
đầy thánh thiện (để sử dụng thuật ngữ của Nietzsche, Zweisamkeit).
Trong ý nghĩa đó tin mừng do Đức Jesus Kitô đem đến, lần đầu tiên trong
lịch sử đã khám phá được rằng hiện hữu của chúng ta - hiện hữu của bất cứ linh
hồn con người nào - không phải là tình cảnh đày đọa trong giam cầm cô đơn,
không phải là hiện hữu phải chịu chết không tránh khỏi, mà là hiện hữu cùng
Thượng Đế đầy vui mừng, vững chắc, không thể lay chuyển được và đầy thánh
thiện. Không phải ngẫu nhiên mà danh tính “Thượng Đế ở bên chúng ta”
(Emmanuel) được tiên tri dành cho người đem đến tin báo đó .