con người, - ông quay lại phân bua với bà quận chúa. - Tôi đã nói với ông
là quận chúa Miagcaia, - không phải là Liza đâu mà là bà Bibitsơ ấy - có
gửi đi một nghìn khẩu súng và mười hai nữ y tá chưa nhỉ?
- Vâng tôi có nghe nói, - Koznưsev miễn cưỡng trả lời.
- Thật đáng tiếc là ông phải đi, - Stepan Ackađich nói. - Ngày mai, chúng
tôi thết tiệc chiêu đãi hai người ra đi: Đime Barnianxki ở Petersburg tới và
anh chàng Vexlovxki của chúng ta. Grisa ấy mà. Cả hai đều đi sang đó.
Vexlovxki mới kết hôn được ít lâu. Đó là một gã trung thực, phải không,
thưa quận chúa? - ông quay lại nói với bà ta.
Quận chúa không trả lời, nhìn Coznưsev. Nhưng dù Xergei Ivanovich hay
bà quận chúa có khó chịu vì sự có mặt của ông ta, Stepan Ackađich vẫn
không bối rối chút nào. Khi ông mỉm cười chăm chú nhìn cái lông vũ trên
mũ bà quận chúa, lúc lại đảo mắt nhìn quanh, như cố nhớ lại điều gì. Thấy
một bà cầm hộp quyên góp tiền đi qua, ông gọi lại và bỏ vào một tờ giấy
bạc năm rúp.
- Tôi không thể dửng dưng nhìn những hộp quyên tiền đó chừng nào trong
người còn có tiền, - ông nói. - Về bản tin hôm nay, các ông bà thấy thế nào?
Những người Mongtenegro đó, thật là cừ! Không có lẽ! - ông kêu lên, khi
được bà quận chúa cho biết Vronxki sẽ đi chuyến tàu sau. Trong một giây,
nét mặt Stepan Ackađich lộ vẻ buồn rầu, nhưng chỉ ngay lát sau, khi ông
vừa vuốt râu má vừa nhún nhẩy bước vào căn phòng có Vronxki ở đấy,
Stepan Ackađich đã hoàn toàn quên bẵng những tiếng nức nở tuyệt vọng
của mình trên thi hài em gái và chỉ còn thấy ở Vrônxki một vị anh hùng và
một người bạn cũ.
- Tuy ông ấy có nhiều tật, ta vẫn phải công bằng mà đánh giá cho đúng, - bà
quận chúa nói với Xergei Ivanovich khi Oblonxki rời họ đi. Đó là một tính
cách rất Nga, điển hình Xlav! Tôi chỉ e Vronxki gặp ông ta sẽ chẳng hứng
thú gì. Ông muốn nói sao thì nói, số phận con người đó vẫn làm tôi xúc
động. Ông hãy cố tranh thủ nói chuyện với ông ta trong khi đi đường, - bà
nói.
- Vâng, nếu có dịp.
- Xưa nay tôi vốn không ưa ông ta. Nhưng hành động của ông ta sẽ chuộc