Kirilov.
Levin lái câu chuyện sang vấn đề đó và hỏi Fedor xem Platon, một nông
dân giàu và tốt cùng làng với anh ta, có định lĩnh canh ruộng đất của chàng
không.
- Địa tô cao quá, Platon không làm được đâu, ông Konxtantin Dimitrievich
ạ, - gã nông dân trả lời, nhặt cuộng rơm lọt vào giữa áo sơ mi và lồng ngực
đẫm mồ hôi.
- Thế tại sao Kirilov lại làm được?
- Mitiuc ấy à? (Đó là cái tên tắt có ý khinh miệt mà gã nông dân đặt cho lão
cai chợ). Ông Konxtantin Dimitrievich ạ, thằng cha ấy làm gì mà chẳng
xoay xở được kia chứ? Hắn chỉ biết bóp nặn người ta thôi. Hắn chẳng
thương xót gì chiên lành, còn bác Focanitr (gã gọi ông lão Platon như vậy)
không phải là kẻ đi cứa cổ dân nghèo. Nơi thì bác ấy phát canh cho chịu tô,
nơi thì giảm tô. Thật chỉ vừa đủ thu về tiền vốn. Nhưng bác ta cũng chỉ là
con người.
- Tại sao ông ta lại làm như vậy?
- Ông Konxtantin Dimitrievich ạ, vì mọi người không phải đều giống nhau;
có người chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, như Mitiuc chỉ lo nhét cho đầy
bụng; Focanitr thì khác: đó là một ông già có phẩm cách. Bác ta sống cho
linh hồn mình và không quên Chúa.
- Ông ta không quên Chúa! Ông ta sống cho linh hồn! Anh định nói gì vậy?
- Levin thốt ra gần như kêu lên.
- Thì chính ông cũng biết như tôi đấy: như thế có nghĩa là bác ta sống theo
chân lí, theo đạo Chúa. ồ, không, mọi người không phải đều giống nhau. Cả
ông nữa, ông cũng không làm gì có hại cho đồng loại…
- Phải, phải, tạm biệt! - Levin nói, nghẹn ngào và xúc động. Chàng quay lại
cầm lấy chiếc can và rảo bước về nhà.
Khi gã nông dân nói Focanitr sống "cho linh hồn, theo chân lí, theo đạo
Chúa", những tư tưởng hỗn độn nhưng quan trọng, từ ngóc ngách nào đó
trong lòng chàng, chợt bật ra và xô cả về một mục đích, quay cuồng trong
đầu làm chàng loá mắt vì cái ánh chói ngời của chúng.