Carenin đánh bạn với nữ bá tước Lidia Ivanovna. Tuy bề ngoài có vẻ trái
ngược với lối sống bê tha, dâm đãng của Betxi Tverxcaia, nhưng thực chất
cuộc sống bên trong bà ta cũng là cảnh cùng hội cùng thuyền. Người đàn bà
tàn xuân đầy thèm muốn xấu xa, đeo mặt nạ đạo đức, đứng ra gìn giữ
phong tục, tín ngưỡng, biến chúng thành thứ tiết hạnh giả dối, mê tín dị
đoan. Tính chất khẩu phật tâm xà của Lidia lộ rõ trong việc khuyên Carenin
không cho Anna gặp lại con trai. Chính xã hội hủ bại giúp cho bọn vô lại,
bịp bợm như Lăngđô thành công. Tên thầy bói này quyết định những vấn
đề quan trọng nhất của cuộc sống; nó nửa tỉnh nửa mê gạt bỏ việc xin ly
hôn của Anna, đẩy nàng mau tới cái chết. Carenin sợ sự thực như cú sợ ánh
sáng. Ngọn lửa sống hiu hắt trong ông tàn lụi dần, trật tự gia đình sụp đổ,
sự nghiệp công danh bắt đầu thất thế, tất cả chỉ còn là ảo tưởng, về cuối
cuốn truyện, ông thật sự chỉ còn là xác chết biết đi. Và tai hại nhất, mỉa mai
nhất là ở chỗ chính những người như ông lại là thành viên tiêu biểu của xã
hội thượng lưu, những kẻ có quyền thế ở triều đình, những người nắm vận
mạng sống còn của cả một dân tộc.
Tuy không có quan điểm duy vật lịch sử, chỉ đứng trên lập trường "đạo đức
vĩnh viễn không thay đổi", bằng ngòi bút hiện thực, Tolxtoi cũng đã thẳng
tay vạch trần đạo đức hủ bại của chế độ xã hội dựa trên tư hữu, áp bức.
Tuy nhiên, nhà văn không chỉ tả sự cằn cỗi, nghèo nàn trong tâm hồn
Carenin. Trung thành với tư tưởng tôn giáo, ông cố gắng chứng minh
Carenin cũng có thể đổi mới tâm hồn, có thể làm những việc cao thượng.
Đó là cảnh Carenin ở bên giường bệnh Anna, tha thứ cho vợ và dàn hòa với
Vronxki. Ông sung sướng vì đã tha thứ và yêu thương kẻ thù, đúng như lời
Chúa từng răn dạy. Nguồn gốc mọi đau khổ trở thành nguồn gốc của vui vẻ
thảnh thơi trong lòng. Nhưng bên cạnh sức mạnh tinh thần hướng dẫn tâm
hồn ông đó, còn có một sức mạnh khác, sơ đẳng hơn, nhưng cũng không
kém phần mạnh mẽ, điều khiển đời ông: ông thấy mọi người ngạc nhiên
nhìn ông, không hiểu ông và đang chờ đợi ở ông một hành động gì đó. Rõ
ràng Tolxtoi đã khéo léo chứng minh một giáo lý cơ bản, cố hữu của đạo
Cơ đốc là tha thứ cho kẻ thù. Nhưng thực ra, vai kịch Carenin sắm trong
một lúc đó rất gượng gạo. Vì tha thứ cho kẻ hấp hối có lẽ còn dễ dàng hơn