chín muồi hướng về một tương lai tốt đẹp hơn, cái ý muốn giải phóng mình
khỏi quá khứ - và cũng lại phản ánh cả sự chưa chín của những ước mơ, sự
thiếu giáo dục chính trị, sự thờ ơ đối với cách mạng"(3).
Với Anna Carenina, chủ nghĩa hiện thực của Tolxtoi cũng như của chung
nền văn học Nga hồi đó tiến thêm một bước đáng kể. Nó đề ra nhiệm vụ
lớn cho loại truyện dài là: người viết phải khái quát được một quãng lịch sử
của đời sống xã hội và phải có thái độ vững vàng trước cái gì là tốt, là xấu,
bằng cách phản ánh mọi hiện tượng sinh hoạt. Mỗi nhân vật ở đây đều có
cá tính sâu sắc, có lối cảm nghĩ, cử chỉ, lời nói, thói quen ưa thích, vui
sướng, đau khổ riêng... Mỗi người là một cá nhân riêng lẻ đồng thời lại là
thành viên của một tổ chức gia đình, xã hội chung nhất; mỗi người phản
ánh mỗi mặt đời sống phức tạp, nhiều màu vẻ. Các nhân vật ở đây cũng
không phải là "lắp lại" hoặc "biến hình" của các nhân vật trong những cuốn
truyện trước của Tolxtoi. Chúng mở rộng hàng ngũ nhân vật do nhà văn
sáng tạo và mang những bộ mặt riêng, mới mẻ, rõ nét của từng người.
Các sự việc rối loạn xảy ra trong xã hội Nga vào những năm bước ngoặt
lịch sử 1870 đã vang dội vào cốt truyện, vào cuộc đời từng nhân vật. Số
phận Anna đủ nói rõ điều đó. Cõi lòng sóng gió, thấp thỏm lo sợ của nàng,
từ đầu đến cuối, luôn linh cảm trước một thảm họa không tránh khỏi sẽ xảy
ra. Vì mục đích tả tâm trạng đó, nhà văn đưa ra một số hình ảnh có vẻ
tượng trưng, một số lời có vẻ tiên tri (ví dụ: người thợ máy tóc bù trên
đường ray, cơn bão tuyết, cây nến cháy lụi...); những cái đó góp lại nói lên
tâm tình quằn quại, hoang mang của Anna. Levin cũng dao động, bơ vơ
giữa ngã ba đường đời, còn những người khác thì không một ai yên tâm
sống. Kịch tính trong cuốn truyện luôn căng thẳng cũng do ở điểm này.
Tolxtoi tự nhận định Anna Carenina là cuốn "tiểu thuyết dài thực sự" đầu
tiên. Mặc dầu nhân vật đông đúc, sự việc phức tạp, hai nhóm Carenin -
Vronxki - Anna và Levin - Kitti tạo thành hai đường dây chính khác nhau,
có vẻ riêng rẽ của cốt truyện, và các đường dây khác càng phức tạp hơn
nhưng bố cục cuốn truyện vẫn chặt chẽ, rành mạch, cân xứng. Truyện dài
nhưng không rườm rà, rất nhiều chương nhưng mỗi chương đều ngắn gọn,
cô đúc; mỗi hình tượng đều có căn cứ bên trong, không tuỳ tiện; mỗi chi