niệm, ý nghĩ khác. Sợi dây chuyền liên tưởng này xe kết với nhau, quyện
lại và biến thành tư tưởng, tình cảm khác mới hơn, sâu hơn, rồi lại trở về
với xúc động, tâm tư ban đầu ở mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn và cứ thế nó
tiếp tục thay đổi, chuyển hoá, phát triển không ngừng, lẫn lộn hư với thực,
cảm giác với suy tưởng, hiện thực với ước vọng, quá khứ, hiện tại với
tương lai... Một tâm trạng ổn định chỉ rất tương đối, nó chưa kịp giải quyết
hết thắc mắc còn lại đã bắt đầu lo lắng tới băn khoăn mới nảy ra. Tài
nghiên cứu con người của nhà văn không chỉ bó hẹp ở chỗ nêu lên kết quả
hợp lý của một chặng đường diễn biến tâm lý, mà chính ở ngay trong từng
bước trên suốt dọc đường diễn biến đó, với những nét biểu hiện tinh vi, sâu
sắc, có khi chỉ thoáng qua mơ hồ mà không ngừng vận động phức tạp đối
lập nhau và thống nhất với nhau, theo một tốc độ rất nhanh dưới các hình
thức muôn hình muôn vẻ, chằng chịt lẫn nhau.
Trernưsevxki đã gọi chủ nghĩa hiện thực tâm lý đó là "phép biện chứng về
tâm hồn". Để phân tích đời sống bên trong, nhà văn luôn dùng đến độc
thoại nội tâm. Và ông đã dùng ngay lời nói mang rõ nét riêng biệt của từng
tính cách để viết nên những trang độc thoại nội tâm trộn không lẫn, chúng
nói lên được trọn vẹn những phản ứng và vận động bên trong của từng
trạng thái tâm lý. ở đây, ông như nhà đạo diễn giấu mình kín đáo sau sân
khấu, người xem không trông thấy nhưng vẫn cảm thấy bàn tay thành thạo,
tinh tế của người điều khiển luôn có mặt. Cho nên, với lối kể trực tiếp, cụ
thể ngay chính câu chuyện và bề ngoài có vẻ khách quan đó, nhà văn chỉ
cần thông qua những chi tiết nghệ thuật có vẻ rất phụ để chắc chắn và mạnh
mẽ tỏ rõ thái độ với nhân vật, tỏ rõ lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức xã hội và
khuynh hướng chính trị của ông.
Nhà văn tả phong cảnh ngoài trời cũng như đồ đạc trong nhà chính để thể
hiện cảm xúc, tâm tư nhân vật được đầy đủ, nhiều vẻ hơn. Người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ. Cái biệt thự kiểu ý trước sau vẫn vậy, nhưng tâm
tình Vronxki thay đổi thì vẻ đẹp của nó cũng thay đổi theo; trước mắt
chàng, nó đột nhiên trở nên bẩn thỉu, điêu tàn. Cơn bão tuyết trong đêm gặp
gỡ giữa Anna và Vronxki trên dọc đường xe lửa cũng là cơn giông tố đang
nổi dậy trong cõi lòng vừa vui sướng vừa kinh hoàng của Anna. Nhà văn tả