tay anh trai, kéo ra cửa và chàng bỗng ngạc nhiên thấy lòng mình dạt dào
trìu mến và thương xót Anna.
Nàng mời Levin và Vorkuiep vào phòng khách và nán lại sau để nói chuyện
với anh trai. "Nàng nói chuyện gì với ông ta? Về vấn đề li dị chăng? Về
Vronxki? Về những việc anh ta đã làm ở câu lạc bộ? Về mình? ", Levin
nghĩ thầm. Câu hỏi làm chàng bối rối đến nỗi chỉ lơ đãng nghe bằng một
bên tai những lời Vorkuiep nói về những ưu điểm của cuốn tiểu thuyết
Anna viết cho thiếu nhi.
Trong khi uống trà, họ tiếp tục cuộc trò chuyện thú vị và phong phú. Chẳng
những không lúc nào cần tìm kiếm đầu đề mà trái lại, ai nấy đều dồi dào ý
kiến, sẵn sàng phải kìm lại để nghe người bên cạnh nói. Tất cả những điều
nói ra, không riêng gì của Anna mà cả của Vorkuiep và Stepan Ackađich
đều mang ý nghĩa đặc biệt nhờ có nữ chủ nhân chăm chú nghe và bình luận
thêm: ít ra đó cũng là cảm giác của Levin.
Levin vừa theo dõi chuyện vừa thán phục sắc đẹp, trí thông minh, kiến thức
và cả vẻ giản dị, thân mật của Anna. Chàng ngồi nghe, nhưng chỉ nghĩ đến
nàng, đến cuộc sống nội tâm của nàng. Ngày xưa chàng vốn từng phê phán
nàng rất nghiêm khắc, giờ đây, do một diễn biến lạ lùng của tư tưởng, lại
biện hộ cho nàng, đồng thời, còn thương nàng và sợ Vronxki không hoàn
toàn hiểu nổi nàng. Khoảng mười một giờ, khi Stepan Ackađich đứng dậy
cáo từ (Vorkuiep về trước rồi), Levin có cảm giác như mình chỉ vừa mới
tới. Đến lượt chàng đứng lên, đầy luyến tiếc.
- Chào anh, - nàng nắm tay chàng nói với một cái nhìn đầy vẻ quyến rũ.
- Tôi rất vui lòng thấy chúng ta đã bắt đầu thân thiện. Nàng buông tay ra và
lim dim mắt.
- Anh nói hộ với chị là tôi vẫn mến chị như xưa và nếu chị không thể tha
thứ cho hoàn cảnh của tôi thì mong rằng cứ nên thế mãi. Vì muốn tha thứ
thì phải đau khổ như tôi đã đau khổ, và cầu Chúa đừng để chị ấy phải như
thế!
- Xin chị cứ yên tâm, tôi sẽ nói lại với nhà tôi… - Levin đỏ mặt nói.