mẫu phụ nữ làm mẹ. Thật tình tôi chưa bao giờ nghĩ sứ mệnh duy nhất của
đàn bà là đưa trẻ con vào một thế giới vốn đã đông đúc lắm rồi.”
Rồi họ vào phòng để ăn tối. Gilbert dìu Christine bác sĩ Murray dìu bà
Fowler, còn bác sĩ Fowler, một ông nhỏ nhắn tròn trịa, chẳng nói chuyện
với ai khác nếu đó không phải một bác sĩ khác, dìu Anne.
Anne cảm thấy căn phòng khá ngột ngạt. Có một thứ mùi khó hiểu làm ta
nôn nao. Có lẽ bà Fowler đang đốt nhang. Thực đơn thì ngon nhưng Anne
cứ đều đều những động tác ăn mà không thấy ngon miệng và mỉm cười cho
đến khi cô cảm thấy mình đâm trông giống mèo Cheshire. Cô không làm
sao rời mắt khỏi Christine, cô ta cứ mỉm cười với Gilbert. Hàm răng cô ta
đẹp... gần như quá đẹp nữa. Trông như quảng cáo kem đánh răng. Christine
vừa trò chuyện vừa khoát tay rất ấn tượng. Hai bàn tay đẹp... mặc dù khá to.
Cô ta đang nói với Gilbert về tốc độ sống nhịp nhàng. Cô ta muốn nói cái
quái gì vậy? Chính cô ta có biết không? Rồi họ chuyển sang nói về vở kịch.
Nỗi khổ hình của Chúa.
“Chị đã đến Oberammergau bao giờ chưa?” Christine hỏi Anne.
Mà cô ta thừa biết Anne chưa đến! Tại sao cứ Christine hỏi thì câu giản dị
nhất nghe cũng xấc xược?
“Tất nhiên là gia đình trói buộc ta khủng khiếp lắm,” Christine nói. “Ồ,
chị nghĩ hồi tháng rồi ở Halifax tôi gặp ai nào? Cô bạn nhỏ của chị ấy...
cưới ông mục sư xấu xí...anh ta tên gì ấy nhỉ?”
“Jonas Blake,” Anne nói. “Philippa Gordon cưới anh ấy. Tôi cũng chưa
từng nghĩ anh ấy xấu xí.”
“Không sao? Tất nhiên là sở thích khác nhau mà. Thôi được dù sao thì tôi
có gặp họ. Tội nghiệp Philippa!”
Christine dùng từ “tội nghiệp” rất ấn tượng.
“Sao lại tội nghiệp?” Anne hỏi. “Tôi nghĩ cô ấy và Jonas rất hạnh phúc.”
“Hạnh phúc ư! Ôi trời, giá mà chị! thấy nơi họ sống. Một làng chài nhỏ
thảm hại, lợn mà chạy vào vườn thì đúng là chuyện sôi động! Tôi nghe nói
anh Jonas có nhà thờ tử tế ở Kingsport nhưng từ bỏ vì nghĩ phận sự của
mình là đến với những người dân chài ‘cần’ mình. Tôi không ưa mấy kiểu