“Cái này là cho Fred Proctor ở trên Glen,” bà tuyên bố. “Chị chàng sắp
sinh đứa thứ tám tới nơi rồi, mà chưa chuẩn bị cho nó lấy một cái áo cái
quần nào. Bảy đứa trước đã mặc nát tất cả những gì chị ta may cho đứa thứ
nhất, và chị ta không bao giờ có thì giờ hay sức lực hay tinh thần để may
thêm cái gì nữa. Người đàn bà ấy đúng là một tu sĩ tử vì đạo đấy, tin ta đi,
cháu Blythe ạ. Khi chị ta cưới Fred Proctor ta đã biết chuyện sẽ thành ra
như thế nào rồi, một gã đồi bại và hấp dẫn. Sau khi hắn lấy vợ hắn hết hấp
dẫn mà chỉ tiếp tục đồi bại. Hắn uống rượu vào rồi hắn bỏ bê gia đình.
Đúng là đồ đàn ông! Ta cũng không biết Proctor làm thế nào mà giữ cho
con cái chị ta ăn mặc tử tế nếu hàng xóm không đỡ cho nữa.”
Như Anne sau này sẽ biết, cô Cornelia là người hàng xóm duy nhất mất
công lo cho sự tử tế của mấy đứa nhỏ nhà Proctor.
“Khi nghe tin đứa trẻ thứ tám này sắp chào đời ta đã quyết định sẽ làm
vài thứ cho nó,” cô Cornelia nói tiếp. “Đây là cái cuối cùng và ta muốn làm
cho xong luôn hôm nay.”
“Nó rõ ràng là rất đẹp ạ,” Anne nói. “Cháu sẽ lấy bộ đồ thêu của cháu và
chúng ta sẽ có một nhóm may vá nhỏ gồm có hai người. Cô may đẹp quá,
cô Bryant ạ.”
“Ừ, ta là thợ máy khéo nhất vùng này đấy,” cô Cornelia nói bằng giọng
thản nhiên. “Phải thế chứ còn gì nữa! Chúa ơi, ta may đồ còn nhiều hơn cả
nếu ta có một trăm đứa con ruột, tin ta đi! Ta nghĩ ta thật là đồ ngốc, ta thêu
tay trên cái váy này cho một đứa con thứ tám. Nhưng, Chúa ơi, cháu
Blythe, cưng
ạ, làm sao đổ lỗi cho nó vì nó là đứa con thứ tám được, và ta
thì đại loại hy vọng nó có một cái váy thật xinh, như thể nó là một đứa con
được mong chờ vậy. Chả ai thèm cái con bé tội nghiệp đó cả… thế nên ta
bày vẽ thêm chút xíu trên mấy thứ đồ của nó chỉ riêng vì điều đó.”
“Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể tự hào về chiếc váy đó,” Anne nói, cảm
nhận ngày càng mạnh mẽ là mình sẽ thích cô Cornelia.
“Ta đoán cháu đã nghĩ ta sẽ chẳng bao giờ đến hỏi thăm cháu,” cô
Cornelia nói tiếp. “Nhưng đang là tháng gặt, cháu biết đấy, và ta bận lắm…
rất nhiều công nhân làm thêm lởn vởn xung quanh, ăn nhiều làm ít, đúng là
đồ đàn ông. Ta định sang hôm qua, nhưng lại phải đến dự đám tang của bà
Roderick MacAllister. Ban đầu ta nghĩ đầu mình nhức quá, không thể nào
vui vẻ được nếu mà đi. Nhưng bà ta một trăm tuổi lận, và ta lúc nào cũng tự
hứa với lòng là sẽ đi dự đám tang của bà ta.”