bằng đất nung. Rồi chúng ta đi làm việc trên các con đường trong thành
phố, với chổi và ky hốt rác. Sau năm tiếng đồng hồ, khi mặt trời lên cao,
chúng ta trở về Nhà Phu Quét đường để ăn bữa trưa trong nửa giờ. Rồi đi
làm trở lại. Sau năm giờ kế tiếp, bóng râm trên các vỉa hè chuyển sang màu
xanh, và bầu trời cũng xanh, xanh thẳm không chút ánh quang. Chúng ta trở
về ăn tối, trong một tiếng đồng hồ. Rồi chuông đổ, và chúng ta bước thẳng
lưng như cây cột để đi tới một trong các tòa nhà của Tòa Thị sảnh để dự
Họp Mặt Xã Hội. Những cột người khác cũng kéo tới đó từ những Nhà của
các nghề nghiệp khác nhau. Nến được thắp lên, và những Hội đồng của các
Nhà Nghề nghiệp đứng trên bục để nói về nhiệm vụ của chúng ta và các
người đồng chí của chúng ta. Sau đó các vị Lãnh đạo tham dự cuộc họp sẽ
bước lên bục và đọc những bài diễn văn đã được thực hiện trong ngày ở Hội
đồng Thành Phố, bởi vì Hội đồng Thành phố là đại diện của toàn thể con
người và tất cả mọi người phải biết. Xong tất cả chúng ta hát những bài
tụng ca, ca ngợi Tình Bằng hữu, ca ngợi Sự Bình đẳng, ca ngợi Tinh thần
Tập thể. Đến khi chúng ta trở về Nhà thì bầu trời đã mang một màu tím
nhũn nhoẹt. Rồi chuông lại đổ và chúng ta sẽ bước ngay người như cột để
tới Nhà hát Thành phố để coi vở Tái sinh Xã Hội dài ba tiếng. Vở kịch diễn
ra trên sân khấu với hai dàn dồng ca đến từ Nhà Diễn viên, họ đối đáp qua
lại với chất giọng tuyệt vời. Các vở diễn đều nói về lao động và tính chất tốt
đẹp của nó. Rồi chúng ta bước ngay đơ như cột để trở về nhà. Lúc này bầu
trời giống như một tấm lưới đen với những giọt bạc run rẩy như thể sắp rơi
xuống bục vỡ qua đó. Những con bướm đêm bay lượn va cánh vào mấy cái
lồng đèn treo đường. Chúng ta lên giường và ngủ cho tới khi chuông đổ lần
nữa. Những sảnh ngủ ấy trắng tinh tươm, không có gì khác ngoài một trăm
cái giường.
Như vậy là chúng ta đã sống từng ngày như thế được bốn năm, và bắt
đầu phạm tội từ hai mùa xuân trước. Tất cả mọi người đều sống cho tới khi
được bốn mươi tuổi. Năm bốn mươi tuổi họ đều tàn tạ tơi tả. Năm bốn
mươi họ được đưa tới Nhà Vô dụng, nơi chỉ có Người Già sống. Người Già
không được lao động, vì đã có Nhà Nước chăm lo cho họ. Họ ngồi trong