đốt, ông liền vứt bỏ chúng. Kho quần áo được tuyển lựa này của bác tôi
được đem trở lại thành phố và được phân phát cho bọn Mũi tên chữ thập để
rồi bọn chúng diện đúng những bộ quần áo đó đến đúng những quán cà phê
mà bác tôi từng thường xuyên lui tới. Vậy là, về một nghĩa nào đó, bác tôi
vẫn hiện diện ở đó dù không có mặt trực tiếp với con người bằng xương
bằng thịt. Và những bộ đồ mà ông để lại nhà, không mang theo vào buổi
sáng năm 1939 đó cũng chính là những bộ đồ mà ông mặc khi quay trở lại
Budapest vào năm 1945 dù lúc này chúng không còn theo bộ với nhau và
trông giống như một loài nấm mọc ra từ da của ông.
Năm 1943, tại Starry Oskol, thành phố bị dội bom mà ngày nay thuộc về
lãnh thổ của Liên bang Nga, đơn vị của bác tôi phải dọn dẹp đống đổ nát.
Họ hành quân khắp thành phố hàng giờ liền để tìm kiếm một chỗ trú chân
nhưng chẳng thấy một tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Bữa ăn của họ là trà
đen và súp bột mì. Họ ngủ ngoài trời và hơ tay trên những đống tro tàn để
sưởi ấm. Tại Pieti- Lepka, một ngôi làng nhỏ gần Veronezh, đôi chân của
họ bị sưng phồng vì sương giá rét buốt. Họ đi lạc qua bao nhiêu đồng tuyết
đóng băng cứng như đá và những người bị thương - mấy tên sĩ quan chỉ
huy Hungary gọi là “hàng lỗi” - bị bỏ lại cho chết ở đằng sau.
Đến lúc này, họ bắt đầu trở nên hơi điên khùng. Bóng đêm thăm thẳm, sự
kinh hãi, nỗi khiếp sợ cái chết.
– Có phải nhờ sợ chết nên bác mới sống sót được phải không? - tôi hỏi
ông bác Sándor.
– Đúng là như vậy nhưng một phần còn nhờ vào chuyện xảy ra mà
chúng ta sắp nói tới.
Năm đó, họ đã đi trọn một quãng đường dài một nghìn kilomet từ Male
Bikoro tới Belograd trong vòng chính xác 30 ngày, với một khẩu phần ăn
chỉ có một lạng bánh mì mỗi ngày cùng với nước nóng và vài miếng cà rốt
nổi lềnh bềnh. Họ đã tới gần khu vực do Liên Xô chiếm giữ và có khả năng
chạy trốn sang quân Đồng minh. Nhưng bác tôi kể lại rằng, trước đó, họ đã
được cảnh báo là không nên đánh giá cao lòng hiếu khách của người Nga.