tất cả họ đó đều mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt sẫm màu. Cái đầu của họ
dường như đã sôi lên khiến máu dồn hết lên mặt.
– Nhìn xem cái tên đê tiện ghê sợ kia kìa! - bác tôi nói. - Cháu thấy
chưa, bác không lo lắng cho bản thân mình mà bác lo cho Eunice. Bây giờ,
cô ấy làm bác lo đến phát ốm, không biết chuyện gì đang xảy ra với cô ấy
nữa. Lũ mang giày ống cột dây ngược lên cao đó có mặt ở khắp nơi, ai có
thể kiểm soát được chúng đây?
– À, cháu sắp sửa tham gia tuần hành biểu tình vào tuần tới, - tôi nói,
giọng kiêu hãnh.
Bác tôi cười to. Chiếc môi dưới trề rung rung trên khuôn mặt ông còn
đôi mắt màu nâu thì ánh đầy vẻ hài hước giễu cợt:
– Bác đã thấy nhiều cuộc tuần hành biểu tình rồi. Người ta diễu hành
thành đám đông với những biểu ngữ cầm trên tay. Bác đã thấy ở Budapest
vào năm 1956. Cuối cùng thì chuyện đó tới đâu nào?
Nhưng bất chấp vẻ ngoài tỏ ra can đảm, bạo dạn, thực ra bác tôi đang lo
sợ. Tôi thấy gương mặt ông trắng bệch dưới ánh sáng của màn hình ti vi.
Hai bàn tay ông bấu chặt vào hai bên thành chiếc ngai mây hình đuôi công.
– Eunice! - ông kêu lên khi hình ảnh những kẻ theo chủ nghĩa phân biệt
chủng tộc diễu hành từng hàng từng hàng qua màn hình. - Điều gì sắp sửa
xảy ra? - ông quay sang tôi hỏi - Cháu định sẽ làm gì nào?
Tôi cố giải thích với ông rằng có những ngày tôi phải mất rất nhiều thời
gian mới tống sạch hết mấy tờ rơi của mình nhưng cũng có khi người ta
nhận chúng rất nhiệt tình, họ gần như là vồ lấy chúng khỏi tay ta, cảm ơn
ta, chúc ta những điều tốt lành chỉ vì ta đứng đó và chỉ cho họ thấy rằng sắp
sửa có chuyện, rằng sẽ có một ai đó đứng lên để mà tin tưởng, dựa vào.
– Ôi, cháu đúng là một đứa con gái ngốc nghếch, - bác tôi kêu lên với vẻ
tuyệt vọng - ngốc nghếch với bộ óc trong đầu cháu với Shakespeare của
cháu. Nhìn cháu kìa, ăn mặc thì như một thằng con trai, còn cái đầu thì đã
cắt mất mái tóc đẹp đẽ đáng yêu.