và vì thế nên ông tha thứ cho Eunice. Bà ấy chỉ uống được vài ngụm rượu
và kiểm soát rất kỹ những gì mình ăn. Đó là điếu cần sa cuối cùng của
Eunice. Bà ấy đã quyết định sẽ không đem ma túy vào ngôi nhà mới của
mình vì cảnh sát lúc nào cũng tìm kiếm một cơ hội bắt nhốt chồng chưa
cưới của bà, người đang được tạm tha vì cam kết sẽ cải tạo tốt. Eunice cho
rằng họ muốn bắt ông chẳng phải vì bất cứ những gì mà ông đã làm mà đơn
giản chỉ vì thù ghét. Bà ấy chẳng ưa gì cảnh sát hơn bác tôi. Chúng tôi cùng
hút chung điếu cần sa trong im lặng. Tôi cố hết sức thư giãn và tập trung
đầu óc vào những nụ hồng ở mặt ngoài của chiếc tách trà mà tôi vẫn đang
cầm trên tay phải. Chúng cứ lớn dần lên và đậm màu hơn cho đến khi bắt
đầu trông giống những bông hồng biếm họa với những cái gai khổng lồ và
trở nên xuẩn ngốc một cách nhạt nhòa thì tôi không thể nào xua ra khỏi đầu
những ý nghĩ về đứa con không bao giờ chào đời của mình; những ý nghĩ
xuất hiện giống như một bài tường thuật tại chỗ trên ti vi. Có phải tôi đã
thực sự làm một chuyện sai trái hay không? Có phải đứa bé ấy cứ ương
bướng không chịu đi, nhất định nán lại quanh quẩn đâu đây dưới dạng một
linh hồn giống như một bóng ma hay không? Rồi tiếp đến là hình ảnh đôi
mắt nhỏ màu xanh lơ của Alexander đang nhìn tôi từ trên thiên đàng; đôi
môi anh dúm dó thành một nụ cười. Những người đã chết tụ tập chật kín:
đứa con bé bỏng của tôi, bà nội tôi với một khối u ở ngực, ông nội tôi nằm
trong cái hố rắc vôi bột. Họ nói bằng những thứ tiếng xa lạ. Ngay cả
Alexander cũng bắt đầu nói tiếng Latinh với tôi còn đứa bé thì bập bẹ vẻ
oán giận, cáo buộc.
– Cái thứ này đúng là phê bỏ xừ luôn! - Eunice nhận xét. - Người ta trộn
cái quái gì với nó nhỉ, thuốc phiện chăng?
– Cháu chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào, - tôi nói.
– Đúng rồi. Trông cô không được khỏe. Thôi ra mà nằm nghỉ đi!
Eunice đưa tôi sang phòng ngủ của bà ấy và đắp một cái chăn lên người
tôi.
– Ngủ cho hết phê đi, - bà ấy nói. - Một hai tiếng nữa tôi sẽ đánh thức cô
dậy.