Hạo thả bộ lang thang trên những con đường vắng. Đến một công viên.
Hạo tìm chiếc ghế ở những chỗ vắng ngồi hút thuốc lá. Anh nghĩ đến
những kỷ niệm niên thiếu của đời mình. Hồi còn học lớp nhì trường huyện,
một hôm thầy giáo ra bài luận quốc văn:
"Sau này lớn lên em làm nghề gì? Nói rõ tại sao em làm nghề ấy." Bấy giờ
Hạo chưa biết cách mạng là gì. Hai tiếng cách mạng còn xa lạ với đôi tai
của chú học trò trường huyện. Với mớ kiến thức tiểu học, Hạo chỉ biết trên
đời có nghề làm quan, nghề đi buôn, nghề dạy học, nghề làm ruộng. Và,
Hạo đã chọn nghề dạy học. Hạo cho rằng nghề dạy học là nghề cao quý, vì
thế anh chọn. Thầy giáo của Hạo - hôm nay Hạo vẫn còn nhớ tên - đọc bài
luận của Hạo đã phải mỉm cười và bảo rằng:
- Thầy dạy học lâu rồi, chả thấy cao quý gì mà chỉ thấy bạc bẽo thôi. Cái
nghề này không bắt người ta phải tiến bộ. Ngày này sang tháng nọ, cho tới
mãn một đời người, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có bằng ấy bài vở. Con nên
tìm nghề khác mà chọn.
Hạo ngây thơ hỏi:
- Các bạn con chọn hết nghề rồi, còn mỗi nghề dạy học nên con phải chọn.
Thưa thầy, thầy khuyên con về sau nên làm nghề gì ạ?
Thầy âu yếm nói:
- Con muốn làm nghề gì cũng được, trừ hai nghề là làm quan và dạy học.
Hạo đã làm lại bài luận. Anh chọn nghề đi buôn. Nghĩ lại Hạo buồn cười.
Sự chọn lựa ở tuổi thơ, chẳng có nghĩa gì hết. Bây giờ Hạo tiếc hồi đó chưa
biết "nghề làm cách mạng". Giá biết, Hạo thử chọn nghề này xem thầy giáo
khuyên bảo ra sao. Thủa bé chọn nghề đi buôn, lớn lên làm nghề cách
mạng! Bất giác Hạo thấy thiếu cái gì quanh đời mình. Một bậc thầy chẳng
hạn. Anh đã có người lãnh tụ già kính mến.
Nhưng giờ đây, không hiểu người lãnh tụ của anh đi đâu?
Hạo ngồi thật lâu. Hết nghĩ tới kỷ niệm cũ lại nghĩ tới những người bạn đã
chết vì lý tưởng cách mạng.
Hạo đưa tay vuốt mặt. Vô tình, bàn anh anh đụng phải những sợi râu đâm
tua tủa trên cằm. Hạo giật mình. Anh không còn trẻ nữa. Tuổi trẻ của anh
sắp mất. Sự nghiệp anh chưa có gì. Hạo nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em... Lâu