thượng; thư từ của độc giả thì phản ánh sự ngu dốt tự đắc và sự nghèo nàn
của con người.
Zdena không hiểu tại sao làn sóng khinh bỉ kia lại trút xuống đầu ả.
Chẳng bao giờ ả nghĩ mình đã diễn đạt không chính xác. Ả chỉ đơn thuần
rút ra kết luận rằng khán giả và bọn nhà báo là một lũ tư sản, chúng trách
cứ cái sự ít học của ả; ả cho rằng chúng phản ứng như thế là vì chúng thù
hận tầng lớp vô sản lưu manh. “Thế mà ta lại đi tôn trọng lũ người ấy cơ
đấy!” ả tự nhủ.
Vả lại, cũng chỉ ít lâu sau, ả đã không còn chút tôn trọng nào dành cho
khán giả nữa. Bây giờ, đối tượng duy nhất trên đời này mà ả tôn trọng là
những nhà tổ chức chương trình. “Chí ít mấy người đó cũng không phán
xét ta. Bằng chứng là họ trả công cho ta. Và trả công rất cao.” Mỗi câu nói
của ả là một sai lầm: các ông chủ khinh bỉ Zdena. Họ cười nhạo ả. Và họ
trả cho ả một cái giá rẻ mạt.
Ngược lại, nếu có một cơ hội dù là ít ỏi nhất để một tù nhân có thể sống
sót ra khỏi trại, điều mà dĩ nhiên ở đây là không thể, người ấy sẽ được chào
đón như một anh hùng. Khán giả ngưỡng mộ các nạn nhân. Sự khôn khéo
của chương trình này nằm ở chỗ nó biết cách thể hiện họ bằng hình ảnh cao
đẹp nhất.
Tù nhân không biết ai trong số họ đang bị ghi hình, cũng không biết
khán giả đang nhìn thấy gì. Đó là một phần của nhục hình mà họ phải chịu.
Những tù nhân yếu đuối sợ bị lên hình khủng khiếp: thêm vào nỗi đau đớn
trong cơn khủng hoảng tinh thần là nỗi nhục nhã khi trở thành vật thu hút
sự chú ý. Và quả thật, chiếc máy quay không bao giờ bỏ qua những khoảnh
khắc hoảng loạn.
Nhưng nó cũng chẳng ưu ái gì những khoảnh khắc ấy. Nó biết rằng mối
quan tâm của “Trại tập trung” là chỉ ra hết mức vẻ đẹp của những con
người đang bị tra tấn này. Vì thế mà nó đã nhanh chóng chọn ra
Pannonique.
Pannonique không hề biết. Điều đó đã cứu cô. Nếu biết được mình là
đích ngắm chính của chiếc máy quay, hẳn cô đã không chịu đựng nổi. Cô