Ta gọi hắn vài năm ca ca, hắn làm sao biết lòng ta có coi hắn là ca ca
không? Hiểu lầm tích tụ từng chút từng chút một, sai cũng thành đúng. Bỏ
qua chẳng phải chỉ một lần, mà là năm rộng tháng dài.
Bờ sông phong cảnh như họa, du khách nô nức chen nhau, rộn ràng
nhốn nháo hơn họp chợ cả trăm lần. Đối với Kim Lăng, sông Tần Hoài như
hình vẽ trang trí nơi mi tâm thiếu nữ, quyến rũ phong lưu, vẽ rồng điểm
mắt. Mặt sông mênh mang, phong lưu không dứt. Ta đã nghe nói từ lâu,
hàng năm sông Tần Hoài có ba ngày náo nhiệt nhất thế gian, một là hội đèn
lồng tết Nguyên Tiêu, hai là thi thuyền rồng tiết Đoan Ngọ, ba là thi thơ tết
Trung Thu.
Giang Thần chỉ ra ngoài nói với ta: “Tiểu Mạt, muội nhìn kìa, đây là
cầu Thước Hỉ, kia là đài Trích Tinh.”
Ta nhìn theo tay hắn chỉ, một cây cầu đá ngọc thạch tinh xảo bắc qua
sông. Bờ sông liễu rủ xanh xanh, thướt tha soi bóng khói mờ nước non.
Chếch với cầu Thước Hỷ là một đài cao, khí thế hùng vĩ. Trên đài đình các
như lầu tiên, mái cong lung linh tinh tế, rồng sinh chín con đứng đó vững
vàng, phong thái cao vợi.
Chỉ tiếc một điều, hai bên cầu là mấy trăm thị vệ uy phong lẫm liệt
cầm đao, ánh đao bóng kiếm thật không chút phù hợp với phong hoa tuyết
nguyệt nơi đây.
Cỗ kiệu đi đến đầu cầu, thị vệ liền cản lại.
Thích phu nhân xuống kiệu, giơ ra một thẻ bài bằng đồng, thị vệ nhìn
kỹ một hồi, vén rèm xem bên trong mỗi kiệu một hồi rồi mới cho đi tiếp.
Bốn người chậm rãi bước lên cầu đá, ta tò mò hỏi: “Sao lại chặn kiệu,
chẳng phải thi thuyền rồng ai cũng có thể đến xem sao?”