bậc lên cầu thang, có thể vừa lên vừa gọi: "Barbara!" và cô mở cửa, thấy
bạn cô chết nằm dưới đất, tay cầm súng - bàn tay trái tất nhiên, vì bạn cô
thuận tay trái - và vì thế nên viên đạn mới bắn vào phía trái đầu. Bạn cô để
lại cho cô một lá thư nói rõ vì sao bà ấy tự tử. Tôi hình dung, đó phải là một
bức thư hết sức xúc động... Một phụ nữ trẻ, hiền lành và đau khổ, phải kết
liễu cuộc đời vì không chịu được áp lực đe doạ tống tiền.
"Tôi nghĩ ý đồ có thể nẩy ra tức khắc trong óc cô. Cái chết này phải là tác
phẩm của một người đàn ông, hãy để hắn bị trừng phạt, trả giá cho hành
động tội lỗi của hắn! Cô liền lấy khẩu súng lau chùi rồi đặt lại vào bàn tay
phải. Cô cầm lá thư lột bỏ tờ giấy thấm trên đó có hằn nét chữ. Cô xuống
nhà, nhóm lò sưởi, vứt tất cả vào lửa. Rồi cô mang chiếc gạt tàn lên để tạo
ra cảm giác hai người ngồi nói chuyện với nhau suốt tối, cô cũng mang
theo một mảnh cúc tay áo vỡ mà cô nhặt được dưới đất - thật may mà tìm
thấy nó, nó càng là một chứng cớ thuyết phục. Tiếp đó, cô đóng cửa sổ, và
khoá cửa ra vào, vì không thể để mọi người biết là cô đã vào phòng. Cảnh
sát phải chứng kiến mọi thứ như cô đã bố trí, vì vậy cô gọi điện thẳng cho
nhà chức trách chứ không hô hoán hàng xóm như nhiều người thường làm.
"Và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cô đã thủ vai của mình một cách bản lĩnh,
chủ động, thoạt đầu không chịu nói gì, rồi khéo léo tỏ ý nghi ngờ không
phải là tự tử. Về sau, cô lại lái chúng tôi theo hướng truy tìm thiếu tá
Eustace...
"Vâng, thưa cô, hết sức khôn khéo... Một tội ác thần tình... Vì, thực tế, đây
là âm mưu sát hại thiếu tá Eustace.
Jane Plenderleith vụt đứng dậy:
- Đây không phải là tội ác, mà là lập lại công lý. Tên ấy đã hành hạ Barbara
đến khốn khổ, đã dồn chị ấy đến chỗ chết. Chị ấy hiền dịu thế, yếu đuối
thế, đã bị một gã đàn ông quyến rũ ở Ấn Độ lúc chị còn rất trẻ. Chị mới