Ở đây, may thay, một năm, cái năm 1919 thiêng liêng, đã đến để trợ giúp
chúng tôi. Vì cái năm đó đã trao quyền kiếm sống cho con gái của những
người đàn ông trí thức, cuối cùng họ cũng đã có một ảnh hưởng thật sự nào
đó đối với nền giáo dục. Họ có tiền. Họ có tiền để quyên góp cho những
chính nghĩa. Những vị thủ quỹ danh dự cầu khẩn sự giúp đỡ của họ. Để
chứng minh điều này một cách đúng lúc, ở đây, ngay kế bên lá thư của ông,
là một lá thư từ một vị thủ quỹ như thế yêu cầu quyên góp tiền để xây dựng
lại một trường cao đẳng dành cho nữ giới. Và khi các vị thủ quỹ danh dự
kêu gọi sự giúp sức, có khả năng là người ta có thể mặc cả với họ. Chúng
tôi có quyền nói với bà ta, “Bà sẽ có chỉ một đồng ghi-nê của chúng tôi để
giúp bà xây dựng lại trường của bà nếu bà chịu giúp quý ông này, người mà
lá thư của ông ta cũng đang nằm trước mặt chúng tôi, ngăn cản chiến
tranh.” Chúng tôi có thể nói với bà ta, “Bà phải giáo dục để giới trẻ căm
ghét chiến tranh. Bà phải giáo dục để họ cảm nhận được sự phi nhân, sự thú
tính, tính chất không thể chịu đựng nổi của chiến tranh.” Nhưng chúng tôi
sẽ mặc cả cho loại hình giáo dục nào đây? Loại giáo dục nào sẽ dạy cho
giới trẻ biết căm ghét chiến tranh?
Đó là một câu hỏi mà tự thân nó đã đủ khó khăn; và dường như cũng có
khả năng không thể giải đáp bởi những kẻ đặt niềm tin vào Mary Kingsley -
những kẻ mà tự thân họ không có một kinh nghiệm trực tiếp về nền giáo
dục đại học. Thế nhưng vai trò của giáo dục trong cuộc sống của con người
rất quan trọng, và vai trò mà nó có thể giữ trong việc trả lời câu hỏi của ông
lớn lao đến độ việc thu nhỏ lại bất kỳ nỗ lực nào để nhìn thấy làm thế nào
chúng tôi có thể tác động tới giới trẻ thông qua giáo dục để chống lại chiến
tranh có thể là sự hèn nhát. Do vậy chúng ta hãy quay lưng khỏi vị trí của
chúng ta trên chiếc cầu bắc qua sông Thames để đi tới một chiếc cầu khác
bắc qua một con sông khác, lần này là một trong những trường đại học lớn;
vì cả hai đều có những dòng sông, và cả hai đều có những chiếc cầu để
chúng ta đứng bên trên. Một lần nữa, trông nó lạ lùng làm sao, cái thế giới
này của những mái vòm và chóp nhọn, của những giảng đường và phòng thí
nghiệm, từ cao điểm của chúng ta! Với chúng tôi, trông nó khác biệt biết
bao với dáng vẻ mà nó phải có đối với các ông! Đối với những kẻ nhìn thấy
nó từ góc độ của Mary Kingsley - “được phép học tiếng Đức là tất cả nền
giáo dục phải trả tiền mà tôi từng có” - nó cũng có thể có vẻ như một thế
giới xa xôi, ghê gớm, rối rắm trong những nghi thức và truyền thống của nó
đến nỗi bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán nào cũng dường như vô hiệu quả.
Tại đây, cũng vậy, chúng tôi kinh ngạc với y phục rực rỡ của các ông; tại
đây, cũng vậy, chúng tôi quan sát những người cầm gậy chỉ huy vươn thẳng
thân hình của họ và những đám diễu hành hình thành, và ghi nhận với
những đôi mắt ngạc nhiên để ghi chép lại những khác biệt, chưa nói đến