chân cầu thang; ngay sau đó tay chiêu đãi viên xuất hiện với một nụ cười
ngọt xớt:
“Tôi có thể phục vụ ngài món gì đây, thưa ngài?”
“Đưa tôi ra khỏi đây,” cậu ta yếu ớt đáp lại.
Và họ nhanh chóng đưa cậu ta lên, đỡ đến nơi kín gió rồi để lại đó.
Suốt bốn ngày tiếp theo cậu ta sống thanh bạch và hoàn toàn chay tịnh
chỉ nhờ ít bánh bích quy Thuyền Trưởng mỏng dính (ý tôi là bánh bích quy
mỏng chứ không phải thuyền trưởng) và nước soda, nhưng đến hôm thứ
Bảy thì cậu ta tự tin đến ngạo mạn và đã bước vào xơi một ít trà loãng và
bánh mì khô, còn đến thứ Hai thì cậu đã xì xụp nước xuýt gà. Cậu ta rời con
tàu hôm thứ Ba, và khi nó phì khói đi khỏi bến tàu thì cậu chòng chọc nhìn
theo đầy nuối tiếc.
“Đi mất rồi,” cậu ta nói, “nó đi mất rồi, với mớ thức ăn đáng giá hai
bảng của tớ, mà tớ vẫn chưa đụng đến.”
Cậu ta còn nói, nếu họ cho thêm một ngày nữa, cậu ta nghĩ mình sẽ lấy
lại được công bằng cho vụ ấy.
Thế nên tôi phản đối ra mặt cái trò đi biển này. Như tôi đã giải thích,
đây không phải là vì bản thân tôi. Tôi chẳng bao giờ chóng mặt cả. Nhưng
mà tôi lo cho George. George nói hắn hoàn toàn ổn, và thích thế hơn, nhưng
hắn khuyên Harris và tôi đừng có nghĩ về việc ấy, vì theo hắn thì chắc cả
hai chúng tôi sẽ lừ đừ thôi. Harris thì bảo rằng đối với hắn, việc người ta
làm thế nào mà lại bị say sóng được luôn luôn là một bí ẩn - và hắn nghĩ
chắc người ta làm thế là có chủ đích cả, như kiểu để làm màu làm mè chẳng
hạn - và rằng hắn thường ước gì mình có thể làm thế, ấy nhưng có bao giờ
làm được đâu.
Thế rồi hắn kể cho chúng tôi nghe các giai thoại rằng hắn đã vượt qua
biển Manche giữa lúc thời tiết khủng khiếp đến độ người ta phải buộc hành
khách vào giường, rằng hắn và ông thuyền trưởng là hai người duy nhất trụ
vững được trên boong mà không bị say sóng. Thỉnh thoảng nhân vật lại là