lên gác về phòng ngủ hay thậm chí là tìm ra giường của mình khi vào được
phòng rồi, hai việc ấy việc nào cũng vô cùng bất khả thi với hắn.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm vì muốn có mặt ở Oxford vào buổi
chiều. Thật ngạc nhiên khi thấy người ta có thể dậy sớm đến thế khi đi dã
ngoại. Người ta sẽ chẳng mấy mong mỏi “thêm năm phút nữa thôi”, rồi cứ
cuộn tròn trong chăn trên sàn thuyền với một cái va li Gladstone làm gối
như người ta vẫn làm trên một chiếc giường trải đệm lông chim. Chúng tôi
ăn sáng xong xuôi và đi qua cửa sông Clifton lúc tám rưỡi.
Từ Clifton đến Culham bờ sông bằng phẳng, đơn điệu và không có gì
thú vị, nhưng sau khi qua Culham - cửa sông lạnh và sâu nhất trên sông-
khung cảnh đã được cải thiện.
Ở Abingdon, con sông chảy sát phố phường. Abingdon là một thị trấn
miền quê điển hình với quy mô nhỏ hơn - yên tĩnh, rõ ràng rất đáng kính,
sạch sẽ và tẻ nhạt một cách tuyệt vọng. Nó tự hào về sự lâu đời của mình,
nhưng về mặt này liệu nó có thể sánh được với Wallingford và Dorchester
không thì cũng còn rất đáng ngờ. Một tu viện nổi tiếng từng nằm ở đó, và
bên trong những gì còn sót lại của các bức tường đã được thần thánh hóa
của nó ngày nay người ta đã dùng làm chỗ để ủ bia đắng.
Tại nhà thờ thánh Nicholas ở Abingdon, có một tượng đài tôn vinh John
Blackwall và người vợ tên Jane, cả hai người, sau một cuộc sống hôn nhân
hạnh phúc, đã qua đời vào cùng một ngày, ngày 21 tháng Tám năm 1625;
còn ở nhà thờ thánh Helen, người ta đã ghi lại rằng W. Lee, chết năm 1637,
“cả đời mình đã có một trăm chín mươi bảy sản phẩm từ cơ quan sinh dục”.
Nếu tìm hiểu vấn đề này, bạn sẽ phát hiện ra gia đình ông W. Lee có đến
một trăm chín mươi bảy người. Ông W. Lee - năm lần làm thị trưởng
Abingdon - chắc chắn là một ân nhân đối với thế hệ ông, nhưng tôi hy vọng
không còn nhiều người kiểu như ông trong cái thế kỷ mười chín dân số đã
quá đông này.
Từ Abingdon đến Nuneham Courrtenay là một khúc sông đáng yêu hết
sức. Công viên Nuneham rất đáng được đến thăm. Có thể vào thăm vào thứ