Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi tự nhủ, theo quan điểm y học thì rõ
ràng mình hẳn phải là một ca thú vị lắm, tôi mà được mang đến lớp học thì
đúng là của quý! Đám sinh viên sẽ không cần phải “thực tập ở các bệnh
viện” nếu đã có tôi. Tôi đã có nguyên một cái bệnh viện trong người rồi
đây. Tất cả những gì bọn họ cần là đi vòng quanh người tôi mà nghiên cứu
và sau đó thì cứ thế mà nhận bằng tốt nghiệp.
Rồi tôi tự hỏi không biết mình phải tồn tại trên đời này bao lâu. Thế là
tôi thử tự khám cho mình xem sao. Tôi tự bắt mạch. Đầu tiên chả thấy mạch
đâu cả. Sau đó bỗng nhiên mạch bắt đầu đập. Tôi rút đồng hồ ra đếm. Mạch
tôi đập một trăm bốn mươi bảy nhịp một phút. Tôi thử nghe tim. Chẳng
nghe được gì. Nó đã ngừng đập rồi còn đâu. Sắp sửa bị thuyết phục bởi ý
tưởng ấy thì tôi chợt nghĩ trái tim lúc nào cũng ở đó, và chắc chắn nó vẫn
đang đập, nhưng tôi không thể giải thích nổi chuyện này. Tôi tự gõ vào tất
cả mọi chỗ phía trước người mình, từ đoạn tôi gọi là eo lưng lên đầu, vòng
sang cả hai bên nữa, và một chút phía đằng sau. Nhưng chẳng thấy gì cả.
Tôi thử xem xét lưỡi. Tôi đã thè lưỡi ra hết cỡ rồi nhắm một mắt lại và cố
gắng nghiên cứu nó thật kỹ càng bằng con mắt kia. Chỉ nhìn thấy mỗi chót
lưỡi, và điều duy nhất tôi có thể rút ra được một cách chắc chắn hơn trước
đó là mình đã bị bệnh sốt ban đỏ.
Khi đi vào cái phòng đọc ấy tôi là một người khỏe mạnh vui tươi, thế
mà lúc lê khỏi đó lại thành kẻ suy nhược hom hem tàn tạ thế đấy.
Tôi đến gặp bác sĩ riêng của mình. Đó là một người bạn cũ, và mỗi khi
tôi nghĩ mình ốm cậu ta đều bắt mạch, xem lưỡi tôi, chuyện trò với tôi về
thời tiết, tất cả đều miễn phí; vì thế tôi nghĩ tôi sẽ đền đáp lại bằng cách đến
thăm cậu ta bây giờ. “Điều một bác sĩ muốn là thực nghiệm,“ tôi nghĩ. “Cậu
ta sẽ có được mình. Cậu ta sẽ được thực nghiệm với mình còn nhiều hơn cả
với ba vạn chín nghìn bệnh nhân xoàng xĩnh tầm thường kia, mỗi người chỉ
có mỗi một hay hai thứ bệnh trong người là cùng.” Thế là tôi đi thẳng tới
chỗ bạn tôi, và cậu ta hỏi:
“Thế nào, cậu bị làm sao?”