quái đản như anh,” bà nói, và trong một khoảnh khắc giọng bà như lóe lên
sự tươi tắn từng làm rạng rỡ nhiều cuộc nói chuyện của bà lúc trước.
“Anh đợi máy một chút nhé, Stephen?” bà đột ngột nói. “Connie? Phải con
không, con yêu?”
Tôi đứng im bất động cho đến khi bà lại nói tiếp. Khi bà cuối cùng cũng
nói, tôi quay lưng và rón rén đi thật nhanh lên cầu thang.
Có lẽ vì tôi đã mường tượng trong đầu về cách ăn mặc của hầu hết những
bạn bè làm nghề bà mụ của mẹ - quần jeans và áo len, giầy bốt to và dép
xăng đan, vô số những chiếc váy bohemian hẳn đã treo trong những chiếc
tủ quần áo to bằng phòng ngủ - cho nên tôi đã bất ngờ trước hai người phụ
nữ cung khai sau giờ nghỉ trưa: một bà mụ, tiếp theo sau là một bác sĩ sản
phụ khoa từng làm bà mụ.
Bà mụ, Kimberly Martin, thậm chí trông giống hệt như bác sĩ. Bà ấy mặc
một bộ complet nữ màu xanh dương, có mái tóc cắt ngắn bóng mượt rất
mốt: Rất dễ hình dung cảnh bà mặc bộ quần áo phẫu thuật rộng thùng thình
của bệnh viện.
Tôi cũng để ý thấy bà ấy đeo nhẫn đính hôn nhưng không có nhẫn cưới,
điều đó cũng khiến tôi bất ngờ: Bà ấy có lẽ lớn hơn mẹ tôi đến mười tuổi,
và hình như sắp kết hôn.
“Bà đã làm hộ sinh có chứng chỉ được bao lâu rồi?” Tanner hỏi.
“Mười bốn năm.”
“Xin bà cho biết làm hộ sinh có chứng chỉ nghĩa là gì?”
“Trước tiên, chúng tôi đều là y tá được cấp phép. Đó là điều căn bản. Chúng
tôi được đào tạo y khoa chính thống. Thứ hai, chúng tôi đều đã tốt nghiệp
một trong khoảng hai mươi chương trình đào tạo nâng cao trên cả nước tập
trung vào chăm sóc sức khỏe phụ nữ và nghề bà mụ. Thứ ba, tất cả chúng
tôi đều thi đỗ kì thi cấp chứng chỉ do trường Cao đẳng Hộ sinh Mỹ cấp.