khoang về bố trên điện thoại với Rollie, Sadie và Tom.
Sáng thứ sáu bắt đầu với lời cung khai của một người phụ nữ lúc đầu dự
định nhờ mẹ tôi đỡ đẻ, nhưng cuối cùng đã đẻ mổ trong bệnh viện. Đó là
một ca đẻ khó nhọc, vất vả, và cô ấy nói mẹ tôi đã bảo cô ấy rặn gần nửa
ngày trời: mười giờ rưỡi đồng hồ rặn và nghỉ, rặn và nghỉ, trước khi mẹ tôi
cuối cùng cũng - theo cách nói của người phụ nữ này - “cho phép” họ đến
bệnh viện.
Sau đó đến lượt một người đàn ông quả quyết rằng mẹ tôi chưa bao giờ
cảnh báo ông ta hoặc vợ ông ta là đẻ ở nhà thì rủi ro cao hơn đẻ trong bệnh
viện. Theo ông này, vợ chồng ông ta sẽ không bao giờ đẻ con ở nhà nếu mẹ
tôi thật thà hơn. Dù chính quyền bang không được phép hỏi ông ta kết quả
ca đẻ như thế nào, nhưng bố mẹ và tôi phải ngồi nén giận suốt buổi cung
khai của ông ta, vì biết rằng đứa trẻ đó là một trong số hiếm hoi em bé chết
từ trong bụng mẹ khi mẹ tôi đỡ đẻ.
Và, khi giờ nghỉ trưa sắp đến, chính quyền bang cố nhét thêm một nhân
chứng, một bác sĩ giải thích với chúng tôi thế nào là một cơn đau đẻ giai
đoạn hai kéo dài, và những nguy cơ nó đem lại cho người mẹ. Bác sĩ đó là
một nhà nghiên cứu làm việc ở trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ tại
Washington, D.C., một tổ chức mà giờ đây tôi, trớ trêu thay, trở thành thành
viên sau một thời gian trầy trật nỗ lực. Giống bác sĩ Gerson, ông ta xem
việc đẻ tại nhà là một trò làm xiếc nguy hiểm: Ông ta chính là người mà
trong một phút hồi tưởng hiếm hoi đã so sánh bệnh viện như ghế ngồi an
toàn trong xe ô tô, rồi sau đó lẫn lộn một tai nạn giao thông với một thiết bị
nhà bếp.
Nhưng rõ ràng bồi thẩm đoàn đã hiểu được quan điểm đó, và nghĩ rằng bác
sĩ Geoffrey Lang là một người thông thái và có sức thuyết phục.
Trong một cuộc tranh luận dữ dội về quan điểm của mẹ tôi, ông ta đã cố
gắng giải thích tại sao rặn quá lâu sẽ gây nguy hiểm cho sản phụ, đồng thời
bồi thêm một lời bôi nhọ lên năng lực của mẹ tôi: “Hoàn toàn có thể hiểu tại