Khi tôi vào phòng vệ sinh ở nhà hàng, tôi đã nghĩ đến chuyện xé các tờ giấy
thành mảnh vụn rồi cho vào bồn cầu và giật nước, nhưng tôi sợ: Nếu thẩm
phán phát hiện ra chúng đã biến mất và nhất định yêu cầu phải có chúng, thì
sự tồn tại kéo dài của chúng có thể là hi vọng duy nhất của tôi để được
khoan hồng. Nhưng khi chúng tôi đi gần phòng vệ sinh nữ ở tòa án, ý nghĩ
tiêu hủy chúng lại nảy ra trong đầu tôi, và tôi nói với bố mẹ rằng mình cần
đi vệ sinh, sẽ gặp lại mọi người trong phòng xử án sau một phút nữa.
Tom hỏi tôi có ổn không, tôi đáp tôi vẫn khỏe.
Tuy nhiên, trong nhà vệ sinh của tòa, tôi lại không thể xử lý những trang
nhật kí đó, dù lần này không hẳn là nỗi sợ vị thẩm phán ngăn cản tôi. Tôi
nghĩ đến một lúc nào đó, mẹ sẽ lấy những quyển nhật kí ấy lại: dù khó có
khả năng tôi sẽ ấn mở gáy rồi đặt chúng vào các quyển nhật kí trước khi bà
nhận ra chúng đã biến mất, nhưng ít ra tôi vẫn có thể trả chúng lại cho bà.
Một ngày nào đó, tôi hình dung bà sẽ tha thứ cho tôi vì đã đọc chúng - nhất
là, tôi lý lẽ, nếu nhờ một phép màu nào đó mà bà được tuyên trắng án.
Nhưng tôi đã đọc lại các trang một lần nữa trong nhà vệ sinh, và khi đó tôi
trấn an mình rằng tôi đang thực hiện một quyết định đúng đắn: Tôi phải làm
tất cả để bảo vệ mẹ mình và giữ gìn gia đình chúng tôi.
Vả lại, lời kết án dành cho mẹ tôi cũng không thể đem Charlotte Bedford
trở lại. Nó chỉ hủy hoại thêm một người phụ nữ nữa mà thôi.
Bồi thẩm đoàn không có mặt khi thẩm phán Dorset công bố phán quyết,
nhưng hầu hết những người tham dự phiên tòa đều đã có mặt.
Tất nhiên, không ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy nét mặt của Stephen
hoặc mẹ tôi khi thẩm phán tuyên bố, nhưng tôi cho rằng nếu những người
dự khán có hình dung gì đi nữa, thì họ cũng chỉ hình dung được sự nhẹ
nhõm: Thẩm phán quyết định rằng không có gì trong các quyển nhật kí liên
quan đến lời khai của mẹ tôi nói riêng, hoặc đến vụ án nói chung. Các
quyển sổ chỉ là ghi chép cá nhân về cuộc sống của bà song có rất ít liên hệ