Đến giữa buổi sáng, bà đi ra cửa hàng bách hóa để mua báo, và sự nghi ngờ
của bà về tôi lớn dần. Cuối một bài viết phân tích phiên tòa, một bồi thẩm
viên đã nhắc đến các quyển nhật kí.
“Tất cả chúng tôi đều biết thẩm phán đã đọc nhật kí của bà ấy trong thời
gian giải lao - điều đó là khá rõ ràng,” vị bồi thẩm viên nói. “Vì thế chúng
tôi chờ đợi sẽ được nghe bà ấy viết gì. Nhưng rồi thẩm phán đọc nó và
chẳng thấy điều gì có thể buộc tội được trong đó cả. Tôi không thể nói thay
mọi người, nhưng điều đó rất quan trọng với tôi.”
Khi tôi đi học về, mẹ chặn tôi lại. Bà nói thật tình không biết nên thất vọng
về tôi hay tự hào không nói nên lời. Một mặt, bà thấy cô con gái của mình
là một cô bé mới lớn tự tiện đọc nhật kí riêng tư của người khác rồi sau đó
cả gan phạm luật và cản trở luật pháp. Mặt khác, bà kinh ngạc trước sự can
đảm của tôi và rủi ro tôi sẵn sàng chấp nhận vì bà. Bà nói dù thế nào bà vẫn
yêu tôi, nhưng rồi bà hỏi tôi một câu cho thấy thêm một cảm xúc nữa đang
nhộn nhạo trong người bà:
“Bây giờ con nghĩ gì về việc mẹ đã làm?”
Tôi nói với mẹ tôi rất mừng vì bà đã cứu đứa bé, nhưng câu trả lời của tôi
thật vô nghĩa. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng chính câu hỏi mới đáng quan
tâm, nó là câu hỏi cho thấy rõ cuộc sống chúng tôi với tư cách mẹ và con
gái đã thay đổi mãi mãi: tôi mười bốn tuổi, và tôi biết nỗi sợ khủng khiếp
nhất của mẹ.
Trước khi bố về nhà, mẹ thực ra đã đề nghị tôi chủ động tự thú chuyện
mình đã làm. Tôi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; mức phạt sẽ không
quá nghiêm khắc, bà nói thế. Có thể là vào trường cải tạo. Bà không nói
nghiêm túc - như tôi đã làm tất cả để bảo vệ bà, mẹ tôi sẽ làm tất cả để bảo
vệ tôi - nhưng trong vài giờ đồng hồ, tôi đã trốn trong phòng như một con
mèo con sợ sệt, tin rằng mẹ tôi đang tâm hủy hoại cả hai chúng tôi bằng
chiến thuật hi sinh gia đình vì đại nghĩa.