Thực tế bà không hề nói gì với bố về việc tôi đã làm. Khi lên phòng gọi tôi
xuống ăn tối, bà nói chúng tôi sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện đã trở
thành tội lỗi của chúng tôi.
Và cho đến khi mẹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi hai năm trước,
chúng tôi đã không nói gì. Mãi đến buổi chiều hóa trị thứ ba - một trong
những ngày tôi lái xe chở bà đến bác sĩ chuyên khoa ung thư ở Hanover,
New Hampshire, và có mặt cạnh bà khi chất độc được truyền vào tay bà -
bà mới nhắc đến tên của Charlotte Bedford.
“Cô ấy có phải là lý do con trở thành bác sĩ không?” mẹ tôi hỏi. “Hay là vì
mẹ?”
“Chắc là cả hai.”
Bà gật đầu, nhìn ống dây trong suốt nối vào một cây kim rồi vào da bà.
“Mẹ đã không mở nhật kí ra trong nhiều năm rồi. Mẹ cho chúng vào hộp
khi con đi học cao đẳng. Chắc là con biết chuyện đó, phải không?”
Tôi trợn tròn mắt. “Chắc là con biết đấy.”
Không lâu sau khi nộp phạt, mẹ tôi trở lại nghề bà mụ. Bà làm được gần
một năm, và trong một khoảng thời gian, cuộc đời bà đầy ắp hoạt động, nếu
không muốn nói chính xác là niềm vui. Có những buổi khám thai và tư vấn
sức khỏe, những phụ nữ - đôi khi phụ nữ và đàn ông - lui tới nhà chúng tôi.
Tất cả chúng tôi đều nhận thấy bà sẽ có thể phục hồi nghề của mình.
Nhưng rồi các khách hàng mới của mẹ bắt đầu đến ngày khai hoa nở nhụy,
và bà phải bắt tay đỡ đẻ trở lại. Bà nhận ra trong ca đỡ đẻ đầu tiên rằng cảm
giác gần như mê đắm mà sự sinh nở từng đem lại cho bà đã bị thay thế bằng
nỗi sợ hãi. Mỗi khi bà khuyến khích một thai phụ rặn, bà lại nghĩ đến
Charlotte; mỗi khi bà đặt bàn tay ấm áp lên bụng một thai phụ đang chuyển
dạ, bà lại nhớ đến đường vẽ tưởng tượng bà từng vẽ bằng móng tay từ rốn
đến xương mu Charlotte.