...
Ca đẻ của tôi không phải là ca đẻ đầu tiên mẹ có mặt. Đó là ca thứ ba.
Trong vòng một năm rưỡi kể từ khi bà trở về từ Boston đến lúc tôi chào đời
ở Vermont, hai người phụ nữ khác trong nhóm bạn ở Đông Bắc Montpelier
đã sinh con, và mẹ tôi đã có mặt tại ca đẻ đầu tiên do tình cờ, và tại ca đẻ
thứ hai do lựa chọn. Thích hợp làm sao, ca đẻ đầu tiên lại diễn ra tại phòng
ngủ của một căn nhà cũ tạm bợ nằm trong trang trại ở Vermont, không phải
trong một phòng sinh đẻ vô trùng ở bệnh viện.
Ca đẻ đầu tiên - và là thử thách đầu tiên của mẹ tôi với nghề bà mụ - chính
là ca đẻ của Abigail Joy Wakefield.
Cô bé được dự tính sinh trong bệnh viện, nhưng lại chào đời sớm hai tuần.
Sáu người lớn có mặt vào đêm mẹ cô bé bắt đầu đau đẻ, trong đó có hai
người sau này trở thành bố mẹ tôi, sợ rằng họ đã quá phê thuốc đến độ
không lái nổi chiếc xe nào trong số xe đỗ bừa bãi cạnh ngôi nhà nhỏ như
thể ở đó vừa xảy ra một trận động đất. Kết quả là, họ quay lại phân công
nhiệm vụ theo giới tính, sự phân công mà tôi cho rằng một phần thuộc về
bản năng, một phần do bị xã hội hóa, cánh đàn ông đồng ý chạy bộ gần sáu
cây số đến cửa hàng bách hóa để dùng điện thoại công cộng gọi xe cấp cứu,
còn cánh phụ nữ thì đưa người mẹ đang chuyển dạ lên lầu để giúp cô cảm
thấy thoải mái - và đỡ đẻ đứa bé, nếu việc đó xảy ra.
Tại sao cả ba người đàn ông đều đi, trong đó có bố tôi, đã trở thành một
chuyện khó lý giải được bạn bè của bố mẹ tôi kể đi kể lại trong nhiều năm.
Bố tôi nhấn mạnh rằng đó là một quyết định tự phát bắt nguồn từ việc tất cả
cánh đàn ông đều đã phê thuốc và đơn giản là không thể suy nghĩ sáng suốt
về quyết định đó. Tuy nhiên, mẹ tôi và những cô bạn luôn trêu ông rằng
mỗi người trong số họ là một kiểu đàn ông điển hình, muốn tháo chạy khỏi
bà bầu đau đẻ càng xa càng tốt. Thực ra, sau khi đi được gần năm cây số
trong đêm tối, cánh đàn ông đã quyết định đứng bên con đường chính đợi
xe cấp cứu, để chắc chắn chiếc xe tìm được đường đến ngôi nhà đó.