Đám kỹ sư trẻ của Chu sống kham khổ ở đây cả mấy tháng, nhân
sếp đưa khách lên thì được một bữa say. Ngồi nhìn sếp và khách
nước ngoài mãi cũng chán, họ rủ anh dịch sang một bên uống tiếp.
Chuyện trò một hồi lại đến chuyện làm ăn kinh tế. Rồi vô tư và bộc
trực, họ hỏi Vỹ, “Chúng tôi có phát triển được không?”
“Tôi không làm trị quốc nên không biết câu trả lời. Nhưng con
đường để phát triển ở đâu cũng giống nhau. Con đường ấy phải hòa
được với hồn dân và phải thuận theo tính cách của người dân nữa.”
Vỹ ngắn gọn.
“Vậy thì khó,” anh nghĩ thầm, nhìn Chu rồi nhìn những kỹ sư trẻ
măng mà đã ít nhiều lam lũ. “Dân ở xứ này cứ như người đa nhân cách.
Cùng một dân tộc mà dân quá khác nhau. Dân chỗ này tính cách lại quá
ham vui, thiên nhiên cho gì nhận nấy, sống bữa nay thì vui cho hết bữa
nay. Dân chỗ kia tự thấy mình cao quý, khinh thị những ai khác mình.
Không có tính đồng nhất trong tâm hồn của dân tộc. Có quá ít phần tĩnh
trong tâm hồn ấy, còn phần động lại quá nhiều. Tâm hồn ảnh hưởng đến
tính cách. Như tâm hồn con người, tâm hồn dân tộc được xây trên nền ký
ức. Ký ức của dân tộc được bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Có thể ở thời điểm
nào đó rất xa xưa, người dân xứ này đã từng có một tâm hồn tĩnh lặng và
chắc chắn. Nhưng chiến tranh và các xáo động liên miên kể từ hồi Trịnh
Nguyễn đã xóa đi cái phần tĩnh ấy, rồi đắp thêm vào bao nhiêu dao động.
Một dân tộc mà phần hồn thiếu tĩnh lặng, thừa sự dao động bất an thì dân
tộc ấy sẽ không khác gì một người đa nhân cách: Không có cái gì chung để
cả dân tộc cùng thỏa mãn. Rồi cũng sẽ phát triển thôi, nhưng phải vật lộn
rất khó khăn, ít nhất là đến lúc dân mình điềm tĩnh trở lại.”
***
Anh và Ly quen nhau từ những lần dẫn sinh viên đi ngoại khóa. Mỗi
buổi là một chuyến đi ngắn. Anh thờ ơ suốt những chuyến đi, mặc
cho sinh viên hò hát ồn ào, thậm chí châm chọc lúc Ly và anh ngồi ở
cuối xe tựa vào nhau ngủ. Lần đầu tiên choàng dậy trên vai anh, Ly