Bọn tôi lên tàu từ Sáu Kho ở Hải Phòng, vào Sài Gòn nhận thêm
người rồi đi tiếp. Lính đông hơn cả là dân Trung Kỳ, bọn Nam Kỳ ít
nhất. Nhà nước bảo hộ tuyển người rất kỹ, chúng tôi ai cũng cao
bằng nhau, vai rộng như nhau. Sau ba tháng ở trại huấn luyện Thủ
Đức, đám lính Annam do cảnh binh kèm cặp nhìn đã ra dáng lắm.
Ngày lên tàu, nhìn từng tốp lính đầu đội nón lá, tay cầm quạt, đeo
tay nải leo cầu thang gỗ chênh vênh lên tàu cứ đều tăm tắp, sướng
mắt lắm cậu Sanh ạ.
Tàu trên biển rất lâu. Ròng rã mấy tháng. Tôi nghe nói đi vòng qua
Djibouti đón lính Phi rồi mới đến Marseille. Lính Annam chết nhiều
vì lị và thương hàn. Lúc qua Biển Đỏ, trời nắng mấy ngày, nhiều
người chết hơn mấy tuần trước. Chúng tôi được dặn giữ nề nếp. Có
ai chết ngay trước mắt thì mình vẫn phải cứng lòng. Tôi nhớ có đám
lính từ Nga Sơn, khoảng hơn chục anh chàng, cứ nghêu ngao hát La
Marseillaise mà họ tự đặt lời local: “Hỡi đám trai tráng Annam dũng
cảm, đây là cơ hội lập công, hãy nắm lấy bằng cách tuốt gươm giết
bầy lang sói.”
Đến Marseille, bọn tôi được chỉ huy Pháp cho đổi quân phục. Nón lá
họ phủ thêm lớp vải họ gọi là khaki. Họ phát cho chúng tôi đôi ghệt
cao cổ. Tướng Claudel hạ lệnh phát cho chúng tôi “cai quan“ nữa.
Cái quần là quần như lính Pháp nhưng không có cúc, lại có dây giải
rút. Tướng Claudel còn chỉ dẫn đầu bếp nấu cơm kiểu Annam, quân
đội mở cả xưởng nước mắm để phục vụ lính Đông Dương. Họ làm
như thế chắc để an lòng đám lính thuộc địa châu Á.
Tôi ở Marseille chẳng bao lâu, nên mỗi cuối tuần được ra phố tôi đều
cố đi thăm thú. Cửa hiệu của họ rất to, to hơn của hàng Godard ở
nhà mình. Người Pháp lịch sự, họ không sợ mấy thầy Cẩm như ở ta.
Tôi cứ ngạc nhiên mãi.
Tôi đi biển cả chuyến đi dài không mệt mỏi gì, mà đến trại tập lính
Saint Raphael thì tôi ngã bệnh. Đó là những ngày nhớ lại vẫn thấy