- Thưa tôn ông Niu-tơn đáng kính và tiên sinh Lép-nít đáng kính! - Xê-va
nói với hai vị. - Chẳng hay các ngài có thể vui lòng cho chúng cháu biết cái
phát minh chung đó của các ngài chăng?
- Cho phép ta được trả lời các cháu bằng một câu hỏi. - Niu-tơn nói. - Các
cháu đã đến phố Gương trong thành phố A-ra-ben-la chưa?
- Chúng cháu đã đến rồi ạ! - Xê-va láu táu trả lời. - Chúng cháu đáp ô-tô
nữa là khác, ở đấy chúng cháu thấy cả người Tí Hon lẫn người Khổng Lồ.
- Đấy, - nhà bác học người Anh nói tiếp, - những người Tí Hon và người
Khổng Lồ ấy là do ta cùng với Lép-nit tiên sinh đây phát minh ra đấy.
- Ngài lại nói đùa rồi, tôn ông Niu-tơn! - Lép-nit cười phá lên. - Chúng ta
chẳng phát minh ra người Tí Hon cũng như người Khổng Lồ nào cả. Chúng
ta chỉ đưa ra khái niệm về các đại lượng vô cùng lớn và đại lượng vô cùng
nhỏ thôi.
- Và chúng ta dạy người đời sử dụng các đại lượng ấy. - Niu-tơn kết luận.
Câu chuyện bị cắt đứt bất ngờ vì có một ông đẫy đà, hồng hào đang đi lại.
Ông ta mặc một chiếc áo lụa ngắn tay kiểu cổ, viền đăng ten rất tinh xảo.
Xê-va thốt lên:
- Nhất định là Pô-tôt trong “Ba người lính ngự lâm” rồi, không phải thế
thì cứ đem đầu tớ đi mà chặt!
- Cậu điên đấy à? - Ta-nhi-a bực tức nói. - Lấy đâu ra lính ngự lâm ở
nước Tí Hon này?
- Không phải, ta không phải lính ngự lâm đâu, - người lạ mặt mỉm cười, -
tuy rằng xưa kia ta cũng có quen biết Đác-ta-nhan! Ta cũng là người Pháp
mà. Ta là Pi-e Phéc-ma.
- Ta có thể cam đoan với các cháu, - Niu-tơn nói, - rằng ông bạn Phéc-ma
thân mến của chúng ta ấy là một trong những nhà bác học được yêu quý nhất
và được kính trọng nhất ở nước Tí Hon.