- Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi, - Lép-nít bổ sung thêm, - bởi vì
ông Phéc-ma đây là một trong những người sáng lập ra lý thuyết số. Nếu chú
ý rằng quốc gia Số Học là đất nước của các số thì các cháu chắc sẽ hiểu ngay
vì sao ông Phéc-ma đây được nổi tiếng đến thế.
Phéc-ma đưa tay lên bịt tai để pha trò:
- Chớ có trút tất cả vinh dự lên đầu một người như thế! Ngoài tôi ra còn
có bao nhiều người góp sức xây dựng nên lý thuyết số nữa chứ. Chỉ cần nhắc
tên tuổi của nhà bác học vĩ đại người Hy Lạp là Pi-ta-go, giáo sư Páp-nu-chi
Lơ-vô-vít Trê-bư-sép ở Mát-xcơ-va hay những nhà bác học hậu sinh hơn nữa
như các nhà toán học Xô viết Lép-ghen-ri-khô-vít Sni-ren-man, I-van Mát-
vê-i-vít Vi-nô-gra-dốp… Vâng, tôi sẽ có thể kể tên hàng trăm nhà toán học
như thế. Vậy mà các ngài lại gán tất cả công lao cho một mình tôi!
- Thế nhưng, thưa ông Phéc-ma thân mến, công lao của ông không ai có
thể phủ nhận được.
Phéc-ma mỉm cười, vẻ khó hiểu và nói:
- Dù sao thì tôi cũng đã làm phiền người đời nhiều.
- Đúng, kể ra cũng phải công nhận ông có làm phiền người đời một
chuyện thật! - Niu-tơn nhận xét
- Nhưng hình như không ai trong chúng tôi bác bỏ điều đó thì phải. - Lép-
nít nói thêm.
- Thế cái điều phiền phức ấy thế nào cơ ạ? - Xê-va tò mò hỏi.
- Số là ông Phéc-ma có nhắc đến một định lý mà ông đã khám phá ra,
nhưng cho đến nay đã ba trăm năm rồi mà chưa ai chứng minh nổi. - Niu-tơn
trả lời.
- Người ta gọi định lý ấy là định lý lớn của Phéc-ma! - Lép-nít nói thêm.
- Ngài thật quá lời! Tôi chưa hề bao giờ gọi nó là định lý lớn cả, - Phéc-
ma phản đối. - Tôi đã nảy ra cái ý đó khi tôi đọc bộ “Số học” tuyệt tác của
Đi-ô-phăng thời cổ Hy Lạp. Một định lý rất là đơn giản.