vui về tay soát vé tàu điện; lão lại xổ một tràng về chàng tẩm lạc
đường vùng Sacsen, và lập tức được tôi hưởng ứng bằng một thiên
diễm tình Scotland… về đến trước cổng nhà lão, chúng tôi mới trở
lại nghiêm trang. Lão bảo tôi đợi một lát, lão vào đón vợ lão ra.
“Cadillac béo yêu quý của ta”, tôi nựng chiếc xe, tay vỗ về bộ tản
nhiệt, “phía sau những câu chuyện tiếu lâm hẳn lại ẩn náu một trò
ma quỷ mới đây. Nhưng cứ yên trí, bọn ta sẽ kiếm được cho chú
mày một mái nhà yên ấm. Lão mua chú mày đấy… một khi tên Do
Thái đã trở lại, hắn sẽ mua. Còn nếu một tín đồ Thiên Chúa giáo trở
lại, cứ là còn xơi nhé. Hắn sẽ đòi chạy thử cả chục chuyến để đỡ tiền
tắcxi, và rồi hắn chợt nhớ ra là thay vì chiếc xe, hắn cần một thiết bị
nhà bếp kia. Không, không, người Do Thái chơi được, họ biết họ
muốn gì. Nhưng ta thề với chú mày, bạn béo tốt bụng của ta ạ: ta
mà còn nhượng bộ kẻ hậu duệ chính tông của lão Judas Macchabée
hiếu chiến một trăm đồng mác nữa thôi, thì suốt đời ta, ta sẽ không
nhấp một giọt rượu nào nữa”.
Bà Blumenthal xuất hiện. Tôi nhớ lại mọi lời khuyên của Lenz, và
từ tay lính chiến, tôi hóa thân thành một anh chàng hào hoa phong
nhã. Thấy thế, Blumenthal chỉ nhếch một nụ cười khả ố. Lão quả là
lòng lim dạ sắt. Lẽ ra lão nên thầu đầu máy xe lửa, chứ không phải
hàng dệt kim. Tôi thu xếp để lão ngồi vào ghế sau, còn vợ lão ngồi
bên tôi.
“Tôi được phép đưa bà đi đâu đây, thưa quý bà?” tôi hỏi, giọng
ngọt như mía lùi.
“Tùy anh”, bà đáp, miệng mỉm một nụ cười mẫu tử.
Tôi bắt đầu gợi chuyện. Thật dễ chịu khi được ở bên một con
người vô hại. Tôi nói năng nhỏ nhẹ tới mức Blumenthal chỉ nghe câu
được câu chăng. Như vậy tự do thoải mái hơn. Nguyên việc có lão
ngồi ám đằng sau đã đủ khó chịu lắm rồi.