“Chính nó! Các thi sĩ sáng tác lời hát nghĩ ra đủ mọi ý hay ho!
Tôi cho rằng họ là những người lãng mạn duy nhất còn lại”.
Cô ta cười. “Chứ sao nữa? Một chiếc máy quay đĩa thế này cũng
là một dạng sổ lưu niệm đấy nhé. Xưa kia người ta ghi vào anbom
những vần thơ, còn bây giờ người ta tặng nhau những đĩa hát. Hễ
muốn hồi tưởng lại cái gì, tôi chỉ cần đặt vào máy chiếc đĩa hát thưở
nào, và mọi thứ lập tức hiển hiện trước mắt”.
Tôi nhìn xuống những chồng đĩa nằm dưới đất. “Cứ xét trên số
đĩa thì cô phải có hàng đống kỷ niệm, cô Erna nhỉ”.
Cô ta đứng lên, vuốt mái tóc đỏ rực ra sau. “Vâng”, cô ta nói,
chân gạt một chồng đĩa sang bên cạnh “nhưng giá được một kỷ
niệm duy nhất ra hồn vẫn hơn”…
Tôi giở những món tôi đã mua về cho bữa ăn tối và gắng bày
biện tươm tất theo hết khả năng của mình. Tôi chẳng mong gì được
giúp đỡ trong việc bếp núc, quan hệ của tôi với ả Frida quá xấu. Bét
ra ả cũng quăng đổ của tôi cái gì đó. Nhưng rồi cũng ổn, và tôi suýt
không còn nhận ra căn buồng cũ của mình trong vẻ lộng lẫy mới mẻ
của nó. Những chiếc ghế bành, chiếc đèn, mặt bàn trải khăn… tôi
cảm thấy trong người đang dần hình thành một nỗi mong chờ thắc
thỏm. Tôi đi tới chỗ hẹn, mặc dù còn hơn một giờ nữa. Bên ngoài gió
cuốn từng luồng dài quanh góc những tòa nhà, đèn đường đã bật.
Chiều buông xanh ngắt như biển giữa các tòa nhà. Tiệm Quốc Tế
bơi trong đó như một chiếc tàu chiến đã bị dỡ bỏ hết trang bị. Tôi
nhảy một bước vào tiệm.
“Xin chào, Robert”, Rosa nói.
“Cô làm gì ở đây vậy?”, tôi hỏi. “Không định dạo phố đón khách
hay sao?”
“Hẵng còn hơi sớm”.
Alois rón rén lại gần. “Một ly?” gã hỏi.