Cậu ta biết tỏng bụng dạ lão già. Lão muốn ăn không một cái
mui mới mà lẽ ra hãng bảo hiểm không phải chịu bằng cách nhập
nhằng vào khoản sửa xe. Hai bên cãi vã một hồi. Lão già dọa hủy bỏ
hợp đồng, dọa nhờ một xưởng xe biết điều hơn tính lại giá thành.
Rốt cuộc Koster đành nhượng bộ. Giá như chúng tôi không cần việc
làm thì đời nào cậu ta chịu.
“Thấy chưa, sao không bằng lòng ngay cho rồi”, lão chủ hiệu
bánh nói với nụ cười nhếch mép. “Mấy ngày tới tôi sẽ đến để lựa
chất liệu. Mầu be tôi nghĩ vậy. Những màu dịu ấy”.
Chúng tôi kéo chiếc xe đi. Ra ngoài rồi, Lenz chỉ vào nệm chiếc
Ford. Trên đó loang lổ những vết đen lớn. “Máu bà vợ vừa chết của
lão. Lại còn nì nèo cho được một cái mui lớn. Màu be. Những màu
dịu. Phục thật. Mình tin rằng lão dám vòi số tiền bảo hiểm cho cả
hai mạng người lắm. Vợ lão đang có mang mà lại”.
Koster nhún vai. “Có lẽ lão tự nhủ hai chuyện chẳng liên quan gì
với nhau”.
“Dám lắm”, Lenz nói. “Thì cũng có những kẻ xem luôn đó là cái
may trong cái rủi của họ. Còn bọn mình thì vì thế thiệt béng năm
chục mác tiền lời”.
Buổi chiều, tôi viện cớ có việc phải về nhà. Tôi hẹn gặp Patrice
Hollmann vào lúc năm giờ, nhưng không hé chút gì ở xưởng.
Không phải vì tôi muốn giấu diếm; nhưng tôi bỗng cảm thấy khó
lòng tin nổi chuyện ấy. Nàng hẹn gặp tôi tại một tiệm cà phê. Tôi
chưa hề đến tiệm này; chỉ biết đó là một tiệm nhỏ và lịch sự. Hoàn
toàn mù mịt, tôi tới nơi hẹn. Nhưng vừa bước chân vào, tôi đã hốt
hoảng giật lùi. Căn phòng rặt bọn đàn bà mồm mép liến thoắng. Tôi
đã sa vào một tiệm bánh ngọt điển hình dành cho các bà. Phải gắng
lắm tôi mới chộp nổi một bàn vừa được bỏ trống. Tôi khó chịu nhìn
quanh. Ngoài tôi ra, trong tiệm chỉ có hai người đàn ông, cả hai
trông đều dễ ghét.