“Còn phải nói!”, anh đáp. “Lão đến từ hôm kia và lúc nào cũng
tìm cách át vợ bằng cái câu: “Mình ở đây sướng quá còn gì?” Lão
không muốn thấy gì cả, anh biết chứ… không muốn thấy nỗi lo sợ
của bà ấy bệnh tình của bà ấy, sự cô đơn của bà ấy. Hình như lâu
nay lão đã sống với một viên đạn đại bác khác ở Berlin, và cứ nửa
năm một lần lão lại lên đây thăm vợ cho phải đạo, hai tay xoa vào
nhau, vui vẻ hồ hởi, mải nghĩ đến sự sung sướng của bản thân. Mỗi
tội không thèm để tai tới điều gì! Chuyện đó ở đây diễn ra xoành
xoạch”.
“Bà ấy tới đây bao lâu rồi?”
“Quãng hai năm”.
Một tốp thanh niên vừa đi qua gian đại sảnh, vừa cười khúc
khích. Antoineio cười.
“Từ trạm bưu điện về đấy. Họ vừa đánh cho Roth một bức
điện”.
“Roth là ai?”
“Cái anh chàng sắp xuất viện ấy mà. Họ đánh điện cho anh ta
rằng vì dưới quê đang có dịch cúm, anh ta chưa được về vội, hẵng
cứ ở lại Viện đã. Những trò đùa thông thường. Chả là bản thân họ
phải ở lại đây, anh hiểu chứ?”
Qua cửa sổ, tôi nhìn dãy núi nhấp nhô mịn như nhung xám. Tất
cả đều không có thực, tôi tự nhủ, phải, tất thảy đều không phải là
thực tại, không thể thế được. Đây chỉ là một sân khấu, trên đó được
diễn một chút chết chóc. Nếu người ta chết thật, thì đó phải là một
cái gì nghiêm trang kinh khủng. Giá như tôi có thể chạy theo đám
thanh niên đó, vỗ vai họ và nói rằng: “Có phải đây chỉ là một cái
chết nơi buồng trò, và các người chỉ là những tài tử hấp hối vui
nhộn? Có phải rồi đây các người sẽ lại đứng dậy cúi chào? Với cơn
sốt nhẹ và tiếng thở thô, người ta đâu đã chết được, chỉ những phát
đạn và những vết thương mới gây nổi cái chết, tôi biết lắm chứ…”