Tôi nhét bức thư của Koster và cái gói nhỏ bọc mấy ống
moocphin vào túi. Tôi vẫn đứng trước quầy bưu điện, bối rối không
biết nên xử sự thế nào. Tôi không muốn gì hơn là gửi ngay số tiền
đó cho Koster, nhưng không được, chúng tôi cần tiền. Tôi vuốt
phẳng xấp giấy bạc, cất vào túi. Đoạn đi ra. Mẹ kiếp, từ giờ trở đi có
lẽ tôi phải tránh mặt bất kỳ chiếc xe hơi nào. Xe hơi vốn là bè bạn,
nhưng Karl đối với chúng tôi còn hơn thế nhiều. Một chiến hữu!
Karl, bóng ma trên đường nhựa. Chúng tôi từng sát cánh bên nhau,
Karl với Koster, Karl với Lenz, Karl với Pat. Giận dữ và bất lực, tôi
dậm chân rũ tuyết khỏi giày. Lenz chết rồi, Karl đã ra đi. Còn Pat?
Với cặp mắt bị chói nắng, tôi đăm đăm ngước nhìn trời, cái bầu trời
xám vô tận của một Đức Chúa điên rồ đã phát minh ra sự sống và
cái chết làm trò tiêu khiển.
Chiều, gió đổi hướng, trời quang và lạnh hơn, tối đến Pat thấy
khỏe ra. Sáng hôm sau nàng đã dậy được, thậm chí vài ngày sau, khi
Roth, người vừa bình phục, xuất viện, nàng còn có thể ra tận ga tiễn.
Cả một đám đông đưa chân Roth. Thường bao giờ cũng vậy khi
có người ra đi. Bản thân Roth chẳng hồ hởi gì lắm. Anh gặp rủi theo
lối riêng của mình. Cách đây hai năm, trả lời câu hỏi của Roth liệu
anh còn sống được bao lâu, một bác sĩ có tài nói rằng giỏi lắm chỉ
hai năm nữa, nếu anh lo giữ sức khỏe chu đáo, cẩn thận, anh còn
yêu cầu một bác sĩ nữa trả lời câu hỏi của mình đúng với sự thật và
lương tâm ông ta. Bác sĩ này còn cho biết một thời hạn ngắn hơn.
Roth bèn lấy hết của cải của mình chia đều cho hai năm và tiêu tống
tiêu táng, chẳng thèm bận tâm gì đến bệnh tật. Cuối cùng, sau
những trận thổ huyết nặng, anh bị tống vào Viện điều dưỡng. Và tại
đây, thay vì chết đi, anh bắt đầu không ngừng hồi phục. Khi đến,
anh cân nặng có bốn lăm cân. Giờ anh lên bảy lăm cân và khỏe tới
mức có thể quay về dưới xuôi. Nhưng tiền thì đã rỗng túi.
“Tôi biết làm gì dưới ấy?”, anh hỏi tôi, tay gãi gãi cái đầu tóc đỏ
“Anh vừa ở dưới ấy lên, tình hình thế nào?”