ra khỏi hầm trú ẩn, nơi chiến trận diễn ra đặc biệt khốc liệt, và lại tạ
ơn số phận đã cho mình sống sót và còn được ngồi đây.
“Bạn tôi đấy”, tôi bảo cô gái. “Một đồng đội thời chiến tranh.
Anh ta là người duy nhất tôi biết đã lẩy ra từ một tai họa khổng lồ
chút may mắn cỏn con. Anh ta không còn biết bắt đầu ra sao với
cuộc đời mình… bởi vậy anh ta sung sướng chỉ vì mình còn sống”.
Nàng trầm ngâm nhìn tôi. Một tia sáng rọi chếch xuống trán và
miệng nàng. “Tôi có thể hiểu được lắm”.
Tôi ngước nhìn. “Nhưng xin cô chớ hiểu làm gì. Cô còn quá trẻ
để hiểu điều đó”.
Nàng mỉm cười. Một nụ cười nhẹ, thoảng qua, chỉ hiện trên khóe
mắt. Gương mặt nàng hầu như không thay đổi, nó chỉ sáng lên, sáng
từ bên trong. “Quá trẻ ư”, nàng nói, “đó chỉ là một từ ngữ vậy thôi.
Theo tôi con người ta không bao giờ quá trẻ cả. Chỉ luôn luôn quá
già”.
Tôi im lặng một khoảnh khắc. “Để bác lại điều cô nói, có thể viện
ra vô số lý lẽ”, sau đó tôi đáp và ra hiệu Fred mang thêm chút gì cho
tôi. Cô gái mới tự tin và thoải mái làm sao; còn tôi, trái lại, cảm thấy
mình cứng vụng như thanh gỗ. Tôi những muốn đưa đẩy một cuộc
chuyện trò nhẹ nhàng, vui nhộn, một cuộc chuyện trò thực sự, để
sau đó, như thông thường, khi còn lại một mình người ta còn nhớ
đến nó. Lenz có cái tài đó, nhưng với tôi thì câu chuyên bao giờ cũng
xoay ra vụng về, nặng nề. Lenz không phải là không có lý khi khẳng
định rằng về tài nói chuyện, tôi chỉ đáng đánh đổ đồng với một
thằng thư ký bưu điện.
May mà Fred biết điều. Thay vì mang cho tôi cái ly bé xíu như
cái đế khâu, gã bưng ngay đến một cốc vang rõ lịch sự, đầy phè.
Như vậy gã đỡ mất công chạy đi chạy lại, mà người ta lại không thể
biết tôi nốc bao nhiêu. Tôi phải uống; tôi chẳng còn cách nào khác
khả dĩ thoát khỏi tình trạng nặng nề trì đọng này.