“Năm chục điếu”, gã thì thầm, “hàng ngày nhá. Hôm qua tôi đã
xem tấm phim chụp hình phổi của lão. Đầy những hốc là hốc. Đi đời
rồi”. Gã lại cười. “Thoạt đầu lão và tôi bệnh ngang nhau. Dễ lẫn
phim. Giờ nhìn vào, đến anh cũng phải nhận ra sự khác biệt! Mà tôi
lại lên một cân cơ chứ. Không, anh bạn ơi, tôi chỉ việc chờ đợi và giữ
gìn sức khỏe. Chưa gì tôi đã khấp khởi chờ kỳ chụp phim sắp tới.
Lần nào cô y tá cũng cho tôi xem các tấm phim. Hễ lão ngoẻo, sẽ đến
lượt tôi”.
“Cũng là một cách”, tôi nói.
“Cũng là một cách”, gã nhại lại, “cách duy nhất đấy, anh bạn
non nớt ơi! Nếu tôi tìm cách phá lão, cầm bằng như tôi bị tiêu hủy
những cơ may của mình sau này trong quan hệ với cô ấy. Không,
chàng lính mới ạ… hòa nhã, bình thản… chờ đợi…”
Không khí trở nên đậm đặc, ngột ngạt. Pat ho. Nhận thấy nàng
lo sợ lén đưa mắt nhìn mình, tôi bèn làm ra vẻ như không nghe thấy
gì. Mụ già đeo các chuỗi ngọc ngồi lặng lẽ, trầm tư. Thỉnh thoảng
mụ ré lên cười, rồi lại lập tức im bặt và ngồi ngây như phỗng. Cái
đầu lâu cãi nhau với thằng ma cô. Bác người Nga rít hết điếu thuốc
này sang điếu thuốc khác. Gã kéo vĩ cầm đánh lửa cho bác. Một cô
gái bỗng nấc lên khùng khục, cô đưa khăn tay lên chùi miệng, nhìn
vào đó và tái nhợt người đi.
Tôi nhìn suốt gian phòng. Kia là dãy bàn của những nhà thể
thao, dãy bàn của những công dân mạnh khỏe, họ ngồi đó: những
người Pháp, người Anh, người Hà Lan với những âm vần sảng
khoái trong thứ ngôn ngữ mang đầy âm sắc đồng cỏ và biển cả… và
xen giữa họ, là một thuộc địa của bệnh tật, chết chóc: hầm hập sốt,
xinh đẹp và tuyệt vọng. Đồng cỏ và biển cả… tôi nhìn Pat… đồng cỏ
và biển cả… bọt biển, bờ cát, bơi lội… ôi em, tôi thầm nghĩ, vầng
trán nhỏ yêu dấu! Đôi bàn tay yêu dấu! Em, cuộc đời yêu dấu mà
người ta chỉ có thể yêu chứ không thể cứu.