nào khác là phó mặc cho may rủi.
Từ tốn, tôi bắt đầu mô tả tuần tự chiếc Cadillac, chẳng khác gì bà
mẹ phô đứa con của mình, vừa nói tôi vừa thăm dò xem lão có hiểu
tí gì về xe cộ không. Nếu lão là tay sành xe hơi, tôi phải kể tỉ mỉ về
động cơ và khung xe… còn nếu lão mù tịt, tôi sẽ huyên thiên về đủ
các thứ tiện nghi, phụ tùng.
Nhưng đến lúc này lão vẫn kín bưng. Lão mặc cho tôi nói kỳ tới
khi tôi cảm giác mình chơi vơi như trái bóng bay thì thôi.
“Ngài định dùng chiếc xe vào việc gì ạ? Để đi lại trong thành
phố hay đi du lịch?” cuối cùng tôi hỏi, xem may ra tìm được một
điểm mà vin vào chăng.
“Mọi việc” Blumenthal đáp.
“Thế ạ! Ngài định lái lấy hay dùng tài xế?”
“Còn tùy”.
Còn tùy. Lão ném ra những câu trả lời như một con vẹt. Hình
như lão là hội viên “Hội những người anh em câm lặng”.
Để khiến lão hoạt bát lên, tôi gắng tìm bất kỳ một thứ gì cho lão
thử. Thông thường nhờ vậy các khách hàng sẽ trở nên cởi mở hơn.
Chứ cứ đà này, tôi e lão ngủ gật mất.
“Chiếc xe đồ sộ thế, nhưng mui lại đóng mở rất dễ dàng”, tôi
nói. “Ngài thử đóng mà xem. Chỉ cần dùng một tay”.
Nhưng Blumenthal cho rằng không cần thiết. Lão nhìn cũng đủ.
Tôi đóng sập các cánh cửa, và lay lay những chiếc tay cầm.
“Không chút lỏng lẻo. Chắc như bánh Lái! Ngài lắc thử xem”.
Blumenthal chẳng buồn thử. Lão coi đó là lẽ đương nhiên. Thằng
cha đúng là quả hạt dẻ chết tiệt khó nhá.
Tôi giới thiệu với lão các tấm kính xe. “Quay lên quay xuống dễ
như bỡn. Để cỡ nào, giữ nguyên cỡ đó”.