Trả miếng búa bổ đây. Tôi bèn gật đầu. “Mình sẽ gọi. Mình hy
vọng cô ta sẽ mua chiếc xe”.
Lenz lại mở miệng. Tôi đá vào ống chân cậu ta và lừ mắt cảnh
cáo khiến cậu ta mỉm cười không nói nữa.
Chúng tôi cạn vài ly rượu. Tôi chỉ uống loại sidecar vắt nhiều
chanh. Tôi không muốn tự mình lại bắt quả tang mình say.
Go fried đang cực kỳ phởn chí. “Mình vừa lại đằng nhà cậu”,
cậu ta nói, “mình định rủ cậu đi. Sau đó mình ra quảng trường Chợ.
Ở đấy có một chiếc đu quay mới rất chúa sừng. Ta đi chơi tí không?”
Cậu ta nhìn Patrice Hollmann.
“Đi ngay!” nàng đáp. “Tôi yêu đu quay hơn hết thảy mọi thứ!”
“Vậy ta nhổ rễ luôn thôi”, tôi nói. Tôi phấn khởi vì được thoát ra
ngoài. Ngoài trời, mọi sự sẽ đơn giản hơn.
Đám đàn ông quay đàn - những trạm gác vòng ngoài cùng của
quảng trường Chợ. Tiếng nhạc rền rĩ ngọt ngào, buồn bã. Trên
những tấm nhung nhàu nhã phủ đàn, đôi khi có một con vẹt hoặc
một chú khỉ nhỏ run rẩy trong chiếc áo đỏ bằng vải thô. Rồi những
tiếng rao hàng lảnh lót của đám người bán nhựa mác-tít gắn đồ sứ,
dao cắt kính, mật ong Thổ Nhĩ Kỳ, bóng bay và vải may complê.
Ánh sáng xanh lạnh lẽo, mùi những ngọn đèn đốt bằng khí cácbua.
Những thầy đoán số, các nhà chiêm tinh, những căn lều bán bánh
quế, những chiếc đi thuyền, những gian hàng với các trò giải trí và
cuối cùng, ầm ĩ tiếng nhạc, sặc sỡ, lộng lẫy và rực sáng như những
tòa lâu đài: những ngọn tháp xoay tròn của chiếc đu quay.
“Nhanh nào các bạn!” Lenz xông vào Con đường xuyên núi non,
thung lũng với cái đầu bù xù. Đây là nơi dàn nhạc lớn nhất chợ chơi.
Cứ mỗi vòng quay lại có sáu chàng thổi kèn trompet bước ra khỏi
sáu cái bục sơn son thiếp vàng, họ quay người về mọi phía vẫy vẫy,
múa may những chiếc kèn, rồi lại lùi về. Thực là huy hoàng.