Ngoài chuyện đi mua đồ nội thất, tôi còn phải hoàn tất nốt bản thuyết
trình. Sếp của tôi, sếp của Michel, ở New York sắp sang. Với hy vọng gây
ấn tượng với ông ta, Michel đã đề nghị tôi làm một bản thuyết trình về tập
đoàn, với năm mươi biểu đồ. Trong suốt ba đêm liền tuần vừa rồi, tôi đã
phải làm việc đến 1 giờ sáng, nhưng cũng chỉ mới làm được một nửa.
“Đây là một gợi ý. Đừng đi sai đường. Nhưng phải đi tắm đã,” vợ tôi nói.
Tôi nhìn nàng.
“Chỉ là một lựa chọn thôi,” nàng nói.
Tôi nghĩ đôi khi nàng thận trọng quá mức. Tôi không phản bác lại.
“Rồi rồi, anh sẽ tắm,” tôi nói và bắt đầu quay sang máy tính.
Những ý nghĩ cứ vụt ra trong đầu. Tôi có nên gọi đến vài bệnh viện
không? Nhỡ giáo sư Basant lại đi ngủ thì sao? Nhỡ ông ấy không thể huy
động sinh viên thì sao? Nếu G. Patel đã chết thì sao? Tại sao tôi lại dính líu
vào chuyện này?
Tôi miễn cưỡng đi tắm. Tôi mở tài liệu thuyết trình, nhưng chẳng viết
được chữ nào cả.
Tôi không chịu ăn sáng, nhưng vài phút sau đã thấy tiếc - vì cơn đói và sự
lo lắng không đi cùng với nhau được.
Điện thoại đổ chuông lúc 1 giờ 33 chiều.
“A lô,” giọng giáo sư Basant không lẫn vào đâu được. “Chúng ta có một
nhân vật phù hợp ở Bệnh viện Dân sự. Tên cậu ta là Govind Patel, hai lăm
tuổi. Một sinh viên năm hai của tôi đã tìm thấy cậu ta.”
“Rồi sao ạ?”
“Cậu ta còn sống. Nhưng không chịu nói chuyện. Dù là nói chuyện với
người nhà. Chắc đang sốc.”
“Bác sĩ bảo sao?” tôi nói.
“Không sao. Đó là một bệnh viện nhà nước. Cậu còn mong gì? Dù sao, họ
sẽ rửa dạ dày cậu ta và cho về nhà. Lúc này tôi không phải lo nhiều nữa. Tôi
sẽ bảo một sinh viên tối quay lại kiểm tra xem sao.”