Chúng chia doanh số bán hàng ngày thành cột, bán đúng giá và không hề
chiết khấu. Cửa hàng sạch sẽ và mọi thứ đều dễ dàng tìm thấy. Một ngày nào
đó tôi có thể lập một doanh nghiệp và giao cho chúng làm hết. Tôi tự nhắc
mình thôi mơ mộng. Ấn Độ không phải là nơi cho những giấc mơ. Nhất là
khi bạn đã một lần thất bại. Cuối cùng tôi thấy cảm giác cố hữu trong triết lý
của đạo Hindu là thỏa mãn với những gì ta có, hơn là kiếm nhiều thêm. Cái
triết lý ấy, do các bậc hiền triết xa xưa nghĩ ra, không phải là thứ hay ho,
nhưng là câu thần chú giúp sinh tồn ở một đất nước nơi mà những khát khao
thường bị đè nát. Cửa hàng trong ngôi đền này là định mệnh của tôi, và kiếm
được khoản tiền nhỏ mọn từ cửa hàng này là nghiệp của tôi. Kiếm nhiều hơn
thì không được. Tôi thở ra, thấy tốt hơn, mở ngăn kéo tiền mặt.
“Hai tuần mà thế này thì hơi ít nhỉ. Nhưng trước tiên thì có trận động đất,
giờ lại có loạt đấu giữa Ấn Độ - Úc,” Ish nói từ góc của nó.
“Người ta không còn lý do để chơi nữa,” Omi nói.
“Không. Không sao cả. Chuyện gì xảy ra ở loạt đấu?” tôi nói. Tôi không
theo dõi lịch thi đấu cricket.
“Ấn Độ thua trận thứ nhất. Còn hai trận nữa. Trận tới là ở Calcutta,” Ish
nói.
“Khỉ thật. Thi đấu kiểu đơn nhật à?”
“Ừ, cả năm trận, nhưng chưa bắt đầu,” Omi nói. “Tao sẽ không đặt nhiều
hy vọng đâu. Dân Úc hình như không phải người.”
“Tao muốn biết sao người Úc có thể làm được như vậy,” Ish nói.
Mama đến làm chấm dứt cuộc trò chuyện của chúng tôi. “Bánh gối đây,
còn nóng, cẩn thận đấy,” ông nói, đặt một túi nâu lên bàn.
Nếu là phiên bản tôi trước đây, đấy sẽ là lý do để tôi cau mày, để kêu ca
vết dầu làm hỏng hết bàn. Tuy nhiên, con người Govind mới sau động đất
không còn xem Mama là thù địch nữa. Chúng tôi ngồi dưới sân đầy nắng,
uống trà và ăn bánh gối. Bánh thật thơm ngon, tôi nghĩ bánh gối là món
bánh ngon nhất của loài người.