Tôi hiểu được cái logic kỳ quặc nhưng không chê vào đâu được ấy của
Parekh-ji. Sẽ không ai nói không với một thìa đất lấy từ Ayodhya. Nhưng
với thìa đó, họ đã vô tình tham gia vào mục tiêu kia. Sự đồng cảm đối với
những người đấu tranh cho Ayodhya sẽ trở thành tự động. Và sự đồng cảm
dễ sẽ trở thành phiếu bầu.
Mama nhận ra vẻ hoài nghi trên nét mặt tôi.
“Chỉ là một chiến lược quảng bá một chiến dịch nhỏ thôi. Các đảng khác
cũng làm thế ở quy mô lớn hơn nhiều.”
Tôi cầm một chiếc bánh gối nữa.
“Không sao đâu Mama. Chính trị làm cháu bối rối,” tôi nói. “Cháu không
thể nhận xét được. Chúng cháu sẽ giúp cậu. Cậu đã cứu cuộc sống của
chúng cháu, chúng cháu mang nợ cậu suốt đời.”
“Các cháu đều như con cái ta cả. Làm sao con cái lại mắc nợ cha mình
chứ?”
“Việc làm ăn hiện đang khó khăn, còn phần tiền cho vay thì...”
Nhưng Mama lại cắt lời tôi. “Thôi quên đi, các cháu. Các cháu đã gặp
phải tai họa. Khi nào có tiền thì trả cũng được. Và giờ các cháu là đảng viên
của chúng ta phải không?”
Mama đứng lên để ôm chúng tôi. Tôi ôm ông hời hợt. Tôi cảm thấy buồn
nôn vì nợ tiền người khác. “Mama, cháu xin lỗi. Cháu đã ngạo mạn, thô lỗ
và thiếu tôn trọng. Cháu nhận ra định mệnh của mình là cửa hàng này. Có lẽ
Thượng đế đã có ý như vậy, và cháu chấp nhận thế,” tôi nói.
“Khi còn trẻ chúng ta đều vậy cả. Nhưng cháu bắt đầu tin vào Thượng đế
đúng không?” Mama nói và cười rạng rỡ.
“Giờ cháu bớt vô thần hơn thôi ạ.”
“Con trai này, đây là tin tốt lành nhất ta được nghe ngày hôm nay,” Mama
nói. “Trong những mất mát này vẫn có điều tốt đẹp xảy ra.”
Một người đàn ông kéo theo cái hòm gỗ nặng trịch bước vào cửa hàng
chúng tôi. “Ai kia nhỉ? Ô, Pandit-ji?” tôi nói.